Kỷ Yếu Giáo xứ Cồn Thoi 1947-2007

GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM
GIÁO XỨ CỒN THOI
60 NĂM LỚN LÊN TRONG CÚA KITÔ (1947 – 2007)

(Kỷ Yếu-Gx. Cồn Thoi)

SỐNG ĐẠO HÔM NAY

Canh tân bản thân

Dấn thân phục vụ

Góp phần xây dựng xã hội công bằng

Lạy Cha chúng con trên trời

Canh tân con được nên người thiện tâm

Yêu thương phục vụ tha nhân

Dựng xây xã hội công bằng an vui.

 

PHẦN I: TÂM TÌNH TRI ÂN
CHÚA LÀ VUA YÊU THƯƠNG THA THIẾT
CON LÀ DÂN TIN MẾN NỒNG NÀN
VẠN TUẾ CHÚA GIÊSU KI TÔ VUA VŨ TRỤ QUAN THẦY GIÁO XỨ CỒN THOI

 

LỜI NGỎ

Sau lời tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô: “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được.” (Mt 16.18). Chính Chúa đã thiết lập Hội Thánh. Hơn hai ngàn năm qua, Hội Thánh Chúa đã lan tràn khắp mặt đất. Năm 1533, đạo Chúa đã đến Việt Nam. Dần đàn, các Giáo phận được hình thành, cho đến năm 1901, Giáo phận Phát Diệm được thành lập. Trong hành trình phát triển, năm 1947, Giáo xứ Cồn Thoi ra đời. Nhìn lại chặng đường 60 năm, là thời gian không dài nhưng thật là quý giá, với biết bao thăng trầm, biết bao ân huệ và tình thương của Thiên Chúa, của Mẹ Maria. Giáo xứ Cồn Thoi chúng ta đã phát triển vững chắc. Để khắc ghi thời điểm ân tình, Giáo xứ chúng ta hân hoan tổ chức Năm Thánh với tấm lòng tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ đã luôn luôn hiện diện với chúng ta như áng mây và cột lửa soi dẫn dân Do Thái ngày xưa trên đường về Đất Hứa. Năm Thánh đã được Bộ Xá Giải của Tòa Thánh Vatican ban sắc chỉ và được phép của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Giáo xứ chúng ta vô cùng tri ân cảm tạ và mở rộng lòng đón nhận tân huệ tình thương lai láng từ trời cao qua Hội Thánh là Mẹ chúng ta, qua mọi Đấng bậc và dân Chúa xa gần đến hành hương cầu nguyện tại Đền Thờ Giáo Xứ nhà. Xin Chúa và Đức Mẹ cho chúng ta một cơ hội canh tân, sám hối, một thời gian yêu thương và phục vụ, và tìm được một nguồn sống mới, sức bật mới trong Chúa Kitô, Đấng đã chết và phục sinh vinh hiển. Xin trân trọng tri ân Hội Thánh, quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sỹ nam nữ, quý Tiền nhân anh hùng và mẫu mực, quý chức tân cựu và cộng đoàn dân Chúa. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta. Alleluia.

 

CHIÊN ĐOÀN GIÁO XỨ CỒN THOI KÍNH CẨN TRI ÂN CÁC ĐẤNG CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN

1 – Đức Cha Alexandre Marcou Thành.

Vị sáng lập và là Giám mục thứ nhất của Giáo phận Phát Diệm.

Ngài sinh ngày 10 tháng 5 năm 1857 tại Lunel. Thụ phong linh mục ngày 21 tháng 12 năm 1879.

Vinh thăng Giáng mục ngày 15 tháng 10 năm 1895 tại Hà Nội do Đức Cha Đông (Gendreau) tấn phong. Chủ chăn Giáo phận Phát Diệm từ ngày 01 tháng 01 năm 1902 đến 20 tháng 10 năm 1935. Ngài về hưu trí tại Thanh Hóa.

Tạ thế tại Thanh Hóa ngày 07 tháng 12 năm 1939. Được đưa về an táng tại gian cung Thánh nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm.

2 – Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng.

Là vị Giám mục người Việt Nam đầu tiên, và Phát diệm cũng là Giáo Phận Việt Nam đầu tiên được Tòa Thánh trao quyền Chủ chăn cho vị Giám mục bản xứ cai quản.

Ngài cũng là ((Cha đẻ)) của đồn điền Cồn Thoi năm 1945. Ngài sinh ngày 07 tháng 08 năm 1868 tại Gò Công (Nam Kỳ VN) Thụ phong linh mục  ngày 19/0/1896. Vinh thăng Giám mục ngày 11/6/1933 tại Rôma do Đức thánh Cha PIO XI tấn phong. Chủ chăn Giáo Phận Phát Diệm từ 20/10/1935 – 27/12/1943 Ngài về nghỉ hưu. Sau khi Đức Cha Phùng mất.  Ngài được Tòa Thánh cử làm giám quản Địa phận Phát Diệm từ 28/5/1944 đến 28/10/1945. Ngài tạ thế ngày 11/7/1949 tại nhà thương Phú Vinh.

An táng tại gian Cung Thánh nhà Thờ Chính tòa Phát Diệm.

3 – Đức Cha Gioan Maria Phan Đình Phùng.

Là vị giám mục đầu tiên xuất thân từ quê hương Phát Diệm. Ngài cũng là người chủ trương việc quai đê lập Ấp Cồn Thoi.

Ngài sinh năm 1891 tại Kiến Thái, xứ Trì Chính (Phát Diệm)

Thụ phong linh mục: Ngày 05 tháng 4 năm 1924. Vinh thăng giám mục ngày 03 tháng 12 năm 1940 do Đức Khâm sứ Drapier tấn phong tại Phát Diệm.

Chủ chăn Giáo phận Phát Diệm từ ngày 27/12/1943 đến ngày 28/5/1944

Tạ thế ngày 28/5/1944, an táng tại gian Cung Thánh Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm.

4 – Đức Cha Anselmo Ta-dê-ô Lê Hữu Từ.

Là người kế tục chỉ đạo công việc bôi trúc đê biển Cồn Thoi và tổ chức khai khẩn ruộng đất, quyết định thành lập Giáo Xứ Cồn Thoi.

Ngài sinh ngày 28 tháng 10 năm 1896 tại Di Loan – Quảng Trị.

Thụ phong linh mục: Ngày 23 tháng 12 năm 1928. Vinh thăng giám mục ngày 28 tháng 10 năm 1945 do Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng chủ phong tại Phát Diệm.

Chủ chăn Giáo Phận Phát Diệm từ ngày 28 tháng 10 năm 1945 đến ngày 30 tháng 6 năm 1954 vào miền nam Việt Nam. Tạ thế ngày 24 tháng 4 năm 1967 tại Sài Gòn. An táng tại Đất Thánh An dưỡng viện Phát Diệm (Gò vấp TPHCM).

 

ĐÔI LỜI TRI ÂN

Sáu mươi năm đã trôi qua với bao biến cố, với bao thăng trầm.

Từ một vùng bãi biển hoang sơ, nay Giáo xứ Cồn Thoi đã lớn lên và tiến triển  mạnh mẽ trong sự bảo trợ của hai Đấng quan Thầy: Chúa Giêsu Kitô vua vũ trụ và Đức Mẹ Mân Côi.

Tháng 5 – tháng hoa kính Đức Mẹ năm 2007 này sẽ là một thời điểm lịch sử khó quên. Niềm vui khôn tả trào dâng khi Giáo xứ Cồn Thoi được phép mở Năm Thánh với biết bao ơn lành mà Đức Thánh Cha ân ban.

Trong niềm hân hoan và tâm tình hiệp thông, cộng đoàn Giáo xứ Cồn Thoi xin chân thành tri ân các Đức Giám mục chủ chăn Giáo Phận đã sáng lập và luôn quan tâm đến Giáo xứ đất biển này.

Tri ân quý Cha coi sóc Giáo xứ, quý Cha bản địa quê hương, quý tu sỹ nam nữ đã dành rất nhiều cảm tình và sự nâng đỡ quý báu cho Cồn Thoi.

Xin dành một nén hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân, các thế hệ Cha ông với biết bao vất vả khó nhọc buổi sơ khai.

Cảm ơn các vị tiền nhiệm – các tông đồ và chứng nhân đã không quản nhọc nhằn, tổn  hao công sức xây dựng Nhà Chúa, dành những tình cảm ưu ái  nhất cho Cồn Thoi.

Trân trọng ghi công mọi thành phần trong cộng đoàn dân Chúa đã đồng tâm hiệp lục trong mọi công việc của giáo xứ.

Xin Chúa nhân lành, Mẹ yêu thương luôn luôn bảo trợ và ban muôn hồng phúc cho Giáo xứ Cồn Thoi chúng con cùng tất cả mọi người đã trợ giúp chúng con.

BAN CHẤP HÀNH GIÁO XỨ CỒN THOI

 

 

PHẦN II: 60 NĂM LỚN LÊN TRONG CHÚA KITÔ

Xứ Cồn Thoi 07/10/1947

Kim Tùng. 1946; Tân Tùng. 1946; Tòng Phát 1949; Tòng Đức. 1949; Phúc Từ 1949; Nghĩa Từ. 1949; Hợp Thành 1949; Phùng Thiện 1949; Kim Đông 1990; Kim Trung 1993; Kim Tạo 1993; Kim Hải 1993.

 

LƯỢC SỬ CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ CỒN THOI

I – HÌNH THÀNH TRONG NHỮNG BIẾN CỐ LỊCH SỬ

  • Năm 1945, đất nước trải qua một nạn đói khủng khiếp (tháng 3 năm Ất Dậu). Dân tộc Việt Nam chìm trong đau thương tang tóc.
  • Thánh 8 năm 1945. Cuộc tổng khởi nghĩa do mặt trận Việt Minh lãnh đạo thành công trong cả nước. Chế độ phong kiến sụp đổ, thời đại của các hoàng tộc vua chúa cháo chung.
  • Ngày 02 tháng 9 năm 1945, cụ Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam đọc lập, nhà nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa” ra đời.
  • Trong thời gian nạn đói hoành hành, Tòa giám mục Phát Diệm tận tâm tận lực lo cứu đói cho dân. Bề trên Địa phận xin nhà nước cho quai đê lấp biển để nhân dân có gạo ăn trước mắt, và có đồng ruộng sản xuất lâu dài. Nhờ vậy hàng vạn nông dân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Một vùng đất bãi biển hình chiếc thoi dệt vải được bao bọc bởi con đê bác ái – con đê ân tình, hình thành địa danh “Đồn điền Cồn Thoi” Do nhà chung Phát Diệm quản lý.

Miền đất hứa đã được Thiên Chúa tạo dựng và dắp đặt như vậy.

II – ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ

Giáo xứ Cồn Thoi ngày nay, đồng thời cũng là xã Cồn Thoi thuộc Huyện Kim Sơn – Tỉnh Ninh Bình, và một phần phía đông của thị Trấn Bình Minh.

Phía bắc giáp các Giáo xứ Tùng Thiện, Như Tân, Tân Mỹ, phía nam là Giáo xứ Kim Trung (tách ra từ Giáo xứ Cồn Thoi năm 2006).

Phía đông giáp cửa sông Đáy.

Phía tây là thị trấn Bình Minh )Huyện Kim Sơn – Ninh Bình).

  • Thời điểm năm 1945, có khoảng 70 gia đình và 300 nhân danh đến cư ngụ hai bên đê phía bắc liền với Giáo xứ Tân Khẩn. Đó cũng là thời kỳ quai đê lập ấp tạo thành “Đồn Điền Cồn Thoi”.
  • Năm 1946, hai giáo họ đầu tiên của xứ Cồn Thoi được thành lập là giáo họ Kim Tùng và Tân Tùng, trực thuộc Giáo xứ Tân Khẩn.
  • Ngày 07 tháng 10 năm 1947 thành lập xứ Kim Tùng (sau này là giáo xứ Cồn Thoi) gồm 6 họ giáo: Kim Tùng, Tân Tùng, Xuân Hòa (thuộc xứ Tân Khẩn) ba giáo họ Tân Trưng, Tùng Thiện, Tân Thành (thuộc phiên Tùng Thiện).

Vống là vùng đất mới, đất rộng, người thưa, lại được Nhà chung Phất Diệm tổ chức chiêu mộ dân cư khai khẩn đồng điền nên số dân tăng lên rất nhanh chóng. Năm 1949 lập thêm 7 giáo họ nữa là: Tòng Phát, Tòng Đức, Phúc Từ, Nghĩa Từ, Kim Thành, Lạc Thành, Phùng Thiện.

Do địa bàn xứ rất rộng và dân số đông, nên Tòa Giám mục lại chuyển họ Xuân Hòa trở về xứ Tân Khẩn, và tách 3 họ Tân Trưng, Tùng Thiện, Tân Thành để lập Giáo xứ Tùng Thiện.

Từ đây giáo xứ Cồn Thoi nằm gọn trên địa dư hành chính của “Đồn Điền Cồn Thoi” với nòng cốt là 2 giáo họ Kim Tùng, Tân Tùng (thành lập năm 1946) và các giáo họ mới là Tòng Phát, Tòng Đức, Phúc Từ, Nghĩa Từ, Kim Thành, Lạc Thành, Phùng Thiện. Thời kỳ đầu mỗi giáo họ có khoảng 30 đến 50 gia đình. Toàn xứ khoảng 300 gia đình và xấp xỉ 2000 nhân danh. Các Cha quản lý đồn điền Cồn Thoi cũng kiêm mục vụ Giáo xứ Cồn thoi non trẻ.

Quan thầy đầu tiên của giáo xứ là Đức Mẹ Mân Côi.

Linh mục chính xứ đầu tiên là Cha Giuse Nguyễn Hữu Nghị.

 

III – Ý NGHĨA TÊN CÁC GIÁO HỌ

Là vùng đất đai do Tòa giám mục Phát Diệm khai phá, cải tạo và quản lí, nên tên các giáo họ trong xứ Cồn Thoi được đặt theo tên các Đức giám mục coi sóc Địa phận.

  • Họ Kim Tùng, Tân Tùng, Tòng Phát, Tòng Đức, theo quý danh Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Giám mục tiên khởi người Việt Nam (Kim = Kim Sơn, Tùng = Tòng).
  • Họ Lạc Thành, Kim Thành: Quý danh Đức Cha Thành.
  • Họ Phùng Thiện: Quý danh Đức Cha Phùng.
  • Họ Nghĩa Từ, Phúc Từ: Quý danh Đức Cha Lê Hữu Từ.

Mỗi khi đọc tên các giáo họ, giáo dân xứ Cồn thoi luôn tưởng nhớ đến công ơn của các vị chủ chăn Giáo Phận.

IV – VẬN ĐỘNG VÀ TĂNG TRƯỞNG

Năm 1952: Sáp nhập 3 họ Phúc từ, Nghĩa Từ, Tòng Đức thành họ trị sở là họ Phúc Từ. Đồng thời hợp nhất 2 họ Kim Thành, Lạc Thành gọi là họ Hợp Thành.

  • Năm 1954: Có cuộc di cư lớn vào Nam, 50% giáo dân trong xứ chuyển cư, nhân danh sụt giảm nghiêm trọng.

Từ năm 1964 đến năm 1972 là thời kỳ máy bay Mỹ liên tục ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Nhiều Ki Tô hữu tử vong, việc chầu lễ gặp nhiều khó khăn do chiến tranh và bối cảnh xã hôi. Tuy vậy đức tin vẫn vững vàng, giáo đoàn Việt Nam vẫn phát triển, cộng đoàn Giáo xứ Cồn Thoi vẫn không ngừng tăng trưởng.

  • Năm 1975, đất nước Việt Nam thống nhất, mở ra một thời kỳ mới, giáo xứ Cồn Thoi cũng bước vào một giai đoạn mới.
  • Năm 1982, sau 35 năm bảo trợ của Đức Mẹ Mân Côi, giáo xứ được đặt dưới sự bảo trợ của Đấng Quan thầy mới là chúa Giêsu Kitô vua vũ trụ.
  • Năm 1990, phát triển t hêm 1 họ mới tại vùng kinh tế biển là họ Kim Đông.
  • Năm 1993, số giáo dân vùng kinh tế mới tăng nhanh, giáo xứ có thêm 3 giáo họ mới nữa là Kim Tạo, Kim Hải, Kim Trung.
  • Thời điểm cuối năm 2005, giáo xứ có 12 họ giáo và 2,700 gia đình với 12,298 nhân danh cư trú trên địa bàn 4 xã Cồn Thoi, Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải và thị trấn Bình Minh (5 đơn vị hành chính).

Ngày 14 tháng 02 năm 2006, Tòa giám mục Phát Diệm công bố quyết định thành lấp xứ Kim Trung – Tách ra từ giáo xứ Cồn Thoi.

Ngày 27 tháng 02 năm 2006, Giáo xứ Kim Trung chính thức khai trương với 4 giáo họ: Kim Đông, Kim Trung, Kim Tạo, Kim Hải.

Toàn xứ Kim Trung có 925 gia đình – 4,150 nhân danh.

Ngày 02 tháng 3 năm 2007, Tòa giám mục Phát Diệm ra quyết định tách giáo họ Hợp Thành thuộc xứ Cồn Thoi, thành lập Giáo xứ Hợp Thành. Xứ mới Hợp thành có 4 giáo họ, 466 gia đình, 2.012 nhân danh.

Vào thời điểm tháng 02 năm 2007, giáo xứ Cồn Thoi còn 7 giáo họ 1,359 gia đình, 6,231 nhân danh.

Như vậy, từ chiếc nôi của Giáo xứ Cồn Thoi, trong vòng hai năm, đã có thêm 2 giáo xứ mới: Kim Trung và Hợp Thành.

60 năm, với biết bao biến cố, biết bao thăng trầm, hiện tại (2007) sau khi tách xứ Kim Trung và Hợp Thành, Giáo xứ Cồn Thoi số gia đình giáo dân gấp 4,5 lần, số nhân danh gấp hơn 3 lần khi lập xứ (1947). Trong sự quan phòng của Chúa, gia đình giáo hội ngày càng thêm đông đúc.

CÁC LINH MỤC PHỤC VỤ GIÁO XỨ

(Theo dòng thời gian)

1 – Từ năm 1945 – 1947.

Cha Laurenso Nguyễn Đức Chu làm quản lí đồn điền Nhà chung, kiêm coi xứ Kim Tòng (tiền thân của giáo xứ Cồn Thoi). Cha sinh năm 1903, Thụ phong linh mục năm 1933, vào nam 1954, tạ thế ngày 02 tháng 6 năm 1970. An táng tại đất Thánh An Dưỡng viện Phát Diệm (TPHCM).

2 – Từ năm 1947 – 1954.

Khi thành lập xứ Cồn Thoi – Cha Giuse Nguyễn Hữu Nghị là Chính xứ tiên khởi.

Cha thụ phong linh mục năm 1945. Vào Nam năm 1954 phục vụ tại Giáo phận Kon Tum.

Cha đã qua đời năm 1977 tại Miền Nam.

3 – Từ năm 11950 – 1951.

Cha Antôn Trần Văn Cát làm Phó xứ. Cha thụ phong linh mục ngày 25 tháng 3 năm 1950. Vào Nam năm 1954.

4 – Từ năm 1951 – 1952.

Cha Stephano Phạm Văn Sâm là Phó xứ. Cha thụ phong linh mục ngày 25 tháng 3 năm 1950. Vào Nam năm 1954. Phục vụ tại giáo phận Sài Gòn.

5 – Từ năm 1954 – 1955 (lần 1) và 1957 – 1962 (lần 2).

Cha Phêrô Trần Cao Vọng làm Chính xứ 2 lần. Trước đó từ năm 1952 – 1954, Cha làm Phó xứ Cồn Thoi.

Cha sinh năm 1924, quê xứ Ngoại Đông, Giáo phận Bùi Chu. Thụ phong linh mục ngày 07 tháng 6 năm 1952. Tháng 8 năm 1962 Cha chuyển lên xứ Thiện Dưỡng – Trung Đồng. Từ năm 2002 đến nay Cha nghỉ hưu tại khu hưu dưỡng Phát Diệm (nhà thương Phú Vinh cũ).

6 – Từ năm 1955 – 1956.

Trong thời gian Cha Phêrô Trần Cao Vọng tập trung học tập, Cha Phaolô Lương Đình Đức phụ trách xứ. Cha thụ phong linh mục năm 1927. Khi Cha Vọng về nhận xứ lần 2, Cha già Đức Chuyển vào xứ Văn Hải và qua đời tại đó. An táng tại đất Thánh Văn Hải.

7 – Từ năm 1962 – 1963.

Cha già Gioan Baotixita Khổng Đức Hậu chính xứ Tân Khẩn, kiêm mục vụ xứ Cồn Thoi. Cha sinh năm 1899 quê xứ Phú Hậu (Kim Sơn – NB). Thụ phong linh mục năm 1929. Tạ thế ngày 16 tháng 3 năm 1985. An táng tại đất Thánh xứ Đồng Chưa.

8 – Từ năm 1963 – 1983.

Cha Giuse Vũ Bá Nghiễm làm chính xứ. Cha sinh ngày 15 tháng 3 năm 1897 tại xứ Quyết Bình. Thụ phong linh mục ngày 05 tháng 4 năm 1930. Tạ thế ngày 17 tháng 12 năm 1983. An táng tại khuôn viên Thánh đường giáo xứ Cồn Thoi. Cha là vị linh mục coi sóc giáo xứ Cồn Thoi lâu năm nhất: (1963 – 1983 = 20 năm).

9 – Từ năm 1984 – 1988.

Cha Phanxicôxavie Nguyễn Đức Quỳnh làm chính xứ. Cha sinh năm 1955 tại Giáo họ Tòng Phát, xứ Cồn Thoi. Thụ phong linh mục ngày 22 tháng 3 năm 1980. Từ năm 1980 đến 1983 là linh mục phó xứ Cồn Thoi. Sau khi Cha già Nghiễm qua đời, Cha làm Chính xứ.

Năm 1988 Cha chuyển về nhà chung Phát Diệm, rồi lên coi xứ An Ngải (Nho Quan NB). Sau một thời gian bị bệnh nặng, Cha chuyển vào dưỡng bệnh tại An Dưỡng viện Phát Diệm (Gò vấp TPHCM).

10 – Từ năm 1989 – 1991.

Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến (khi Ngìa làm Giám mục Phó) kiêm mục vụ xứ Cồn Thoi. (Xem tiểu sử ở phần trên).

11 – Từ năm 1992 – 1993.

Cha Giuse Vũ Công Hoàng làm chính xứ. Cha sinh năm 1938. Thụ phong linh mục ngày 13 tháng 5 năm 1982.

Năm 1994 chuyển vào xứ Văn Hải cho đến nay. Được Đức Cha Nguyễn Văn Yến cử làm Cha Tổng Đại diện từ năm      đến 2006.

12 – Từ 1994 đến năm 2002.

Cha Giuse Trần Ngọc Văn làm chính xứ. Cha sinh năm 1936. Thụ phong linh mục ngày 09 tháng 5 năm 1982. Sau thời gian coi xứ Cồn Thoi. Cha vào coi xứ Hóa Lộc, Yên Bình, (ngày 01 tháng 6 năm 2002). Rồi làm chính xứ Ninh Bình. Được cử làm Cha Tổng đại diện từ tháng 5 năm 2006 đến nay.

13 – Từ 01 tháng 6 năm 2002 đến 10 tháng 5 năm 2006.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Tĩnh làm chính xứ. Cha sinh tháng 4 năm 1962 tại xứ Hướng Đạo. Thụ phong linh mục ngày 08 tháng 02 năm 2002. Từ 10 tháng 5 năm 2006 chuyển ra vùng kinh tế mới ven biển làm chính xứ Kim Trung (tách ra từ xứ Cồn Thoi ngày 14 tháng 02 năm 2006) cho đến nay.

14 – Từ ngày 10 tháng 5 năm 2006 đến nay.

Cha Antôn Đoàn Minh Hải làm chính xứ. Cha sinh ngày 23 tháng 6 năm 1956 tại Giáo họ Thủ Trung xứ Hướng Đạo. Thụ phong linh mục ngày 06 tháng 02 năm 1982. Mừng Ngân Khánh 25 năm linh mục tại xứ Cồn Thoi ngày 06 tháng 02 năm 2007. Khai mạc năm Thánh: ngày 01 tháng 5 năm 2007.

 

CƠ SỞ GIÁO XỨ

I: NHÀ THỜ

1 – Năm 1947: Nhà thờ xứ chung với nhà nguyện trong khu Sở quản lí đồn điền Cồn Thoi. Cha Chu dựng một Nhà thờ dài 24m, rộng 8m, lợp bổi. Cách nhà Thờ họ Kim Tùng hiện nay trên 100m.

2 – Năm 1949: Cha Nghĩ chuyển nhà xứ xuống khu trung tâm giáo xứ làm một nhà thờ mới dài 30m, rộng 8, lợp bổi, trên khu vườn cây phía tây nhà xứ hiện nay.

3 – Năm 1958: Cha Vọng chỉ đạo xây một nhà thờ 15 gian, tường gạch, lợp mái bổi, dài 35m, rộng 9,5m. Tháp chuông hình hộp dẹp cao 17m, mặt tiền của tháp và trên các cửa cuối nhà thờ gắn nhiều đĩa sứ cổ, trên tháp có quả chuông nặng 67kg đúc ở bên Pháp.

4 – Năm 1992: Cha Hoàng làm chính xứ, được sự bảo trợ của Đúc Cha Bùi Chu Tạo và Đức Cha phó Nguyễn Văn Yến, Giáo xứ Cồn Thoi xây dựng Thánh đường mới.

Ngày 06 tháng 01 năm 1992 hạ giải nhà thờ cũ, dọn mặt bằng.

Ngày 19 tháng 01 năm 1992 Đức Cha phó Nguyễn Văn Yến đặt viên gạch đầu tiên và làm phép móng nhà thờ.

Ngày 26 tháng 7 năm 1992 đặt thượng lương.

Ngày 19 tháng 11 năm 1992 lễ Chúa Giêsu Kitô vua vũ trụ, quan thầy giáo xứ. Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo và 12 Cha hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn, khánh thành Thánh Đường xứ Cồn Thoi.

Ngày 27 tháng 11 năm 2001 Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến và 20 Cha đồng tế Cung Hiến Thánh đường giáo xứ Cồn Thoi.

VÀI NÉT THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH

Nhà Thwof xứ Cồn Thoi được thiết kế theo hình cây Thánh Giá.

Chiều dài 53m – Rộng 20m – chia 10 gian.

Sải cánh Thánh Giá hai bên cung Thánh dài 35m, nguyên phần cánh Thánh Giá đã lớn hơn diện tích Nhà thờ trước.

Chiều cao nóc Nhà thờ: 14m

Chiều cao cây tháp : 24m

Diện tích xây dựng : 2.160m2, gấp 6 lần Nhà thờ xây năm 1958.

Diện tích sử dụng: 1.320m2

Sau 15 năm sử dụng, năm 2007 dưới sự chỉ đạo của Cha Antôn Đoàn Minh Hải đã tiến hành đại tu toàn bộ nhà thờ từ mái, trần, gian cung Thánh, tường, nền và các công trình tổng quan, để chuẩn bị cho khai mạc năm Thánh kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ Cồn Thoi.

NỘI THẤT THÁNH ĐƯỜNG

Phần quan trọng trong nhà thờ là gian cung Thánh được thiết kế đơn giản, nghiêm trang nhưng thông thoáng và cởi mở. Nhìn lên vách phía sau bàn Thờ có tượng Chúa chịu đống đinh ở trên. Dưới chân Thánh Giá một bên là nhà Chầu bằng đồng quý do một Cha hải ngoại từ Hoa Kỳ gửi về tặng Giáo xứ, bên kia là ô lồng kính đặt bộ Kinh Thánh, gợi nhớ về hòm bia Thiên Chúa đã trao cho ông Môsê khi xưa.

Suy ngẫm một chút, ta sẽ thấy toát lên ý nghĩa nguồn sống của con người được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa   và Thánh Thể. Chính Chúa  Giêsu đã đến thế gian để rao giảng Tin Mừng, đã hy sinh mạng sống mình trên Thánh Giá và hóa thân trong Thánh Thể để nuôi sống Linh Hồn chúng ta.

Giữa gian cung Thánh là bàn Thờ làm bằng một phiến đá trắng nguyên khối dài 2,8m, rộng 0,8m, dày 0,2m. Đặt trên giá đỡ cũng bằng đá, nhìn từ xa như hai bàn tay nâng cả bàn Thờ và của Lễ.

Cung Thánh cao hơn lòng Nhà Thờ 3 bậc, gồm 2 gian liên thông, hai bên là hai cánh Thánh Giá Nhà Thờ. Nền Cung Thánh lát đá quý màu vàng. Giảng đài cũng bằng đá trắng, thanh gọn, chắc chắn và trang trọng.

Khu vực giáo dân từ nền Nhà Thờ đến phần dưới chân tường đều được ốp lát lại năm 2006. Hơn hai trăm chiếc ghế ngồi bằng gỗ lim kiểu dáng hiện đại do Cha Tuyên ở Hoa Kỳ tài trợ, đánh véc ny đỏ tạo ra sự trang trọng và ấm cúng.

CÁC BỒN CÂY CẢNH

Du khách đến vãng cảnh Thánh Đường Cồn Thoi không khỏi trầm trồ trước hàng dãy bồn hoa, chậu cảnh. Những cây tùng, cây bách tán, cây xanh được uốn tỉa công phu trong một không gian thanh bình và thoáng đãng. Tất cả đem đến cho chúng ta một cảm giác bình an và mến mộ nơi Nhà Chúa.

CÁC CÔNG TRÌNH TỔNG QUAN

1 – Ao Hồ.

Phía nam, song song với Nhà Thờ là một ao hồ có diện tích 2,490m2. Bờ hồ ghép đá. Trên mặt nước hồ nổi lên 3 công trình kính Quan Thầy của 3 giáo họ liền kề. Đó là các công trình dưới đây.

2 – Núi Giáng Sinh.

Công trình này do giáo họ Tòng Đức xây dựng năm 1993 có diện tích mặt bằng 64m2. Đỉnh núi cao 6m, trên có tượng Chúa Hài Đồng. Hang Bêlem trong lòng núi là nơi đặt bộ tượng Sinh Nhật từ lễ Noel đến hết mùa Giáng Sinh cho giáo dân Kính viếng.

3 – Tượng Đài Chúa Thăng Thiên.

Xây dựng lăm 1994. Công trình Kính Chúa Lên Trời của giáo họ Nghĩa Từ, trên mặt bằng 50m2, chiều cao tổng thể 6m, riêng tượng Chúa Thăng Thiên cao 2,2m. Với những dàn đèn chiếu sáng hiện đại càng thêm phần trang trọng.

4 – Lễ Đài Thánh Thể.

Xây dựng năm 1998. Do giáo họ Phúc Từ (Giáo họ trị sở) xây dựng. Mặt sàn lễ đài bằng bê tông có diện tích 72m2. Phía nam lễ đài là biểu tượng Mầu nhiệm Thánh Thể, phía trước là một sân khấu rộng. Dịp lễ Noel hàng năm đều tổ chức “Ca mừng Giáng Sinh”, hàng trăm bạn trẻ múa hát ở đây. Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô cũng làm ở đây.

Cả ba công trình trên đều có cầu dẫn vào bờ, nối liền nhau tạo thành một quần thể kiến trúc hài hòa, đẹp mắt.

5 – Núi Lộ Đức.

Công trình do Hội Mân Côi xây dựng năm 1998 phía tây bắc đầu Nhà Thờ. Sau lễ sáng thứ bảy hàng tuần, tất cả mọi người dự lễ đề ủa Viếng Đức Mẹ Mân Côi, tỏ lòng con thảo và xin Mẹ phù hộ cho giáo xứ, cho gia đình và bản thân được nhiều ơn lành.

6 – Phần Mộ Cha Già Giuse Vũ Bá Nghiễm.

Tọa lạc trên góc khuất của cánh Thánh giá phía bắc Nhà Thờ xứ, gần kề núi Lộ Đức, Cha già Giuse Vũ Bá Nghiễm yên nghỉ mãi mãi tại đây. Phần mộ Cha được xây năm 1983. Năm 1993 tu bổ lần I bằng đá rửa. Năm 2006, Cha Hải cùng hội Linh tông (Nghĩa tử Cha già Nghiễm) tu bổ lần II bằng đá Granit, có dậu sắt bao quanh. Khi viếng Đức Mẹ Lộ Đức, mọi người không quên hướng về nơi yên nghỉ của Cha già, cầu nguyện cho Ngài.

NHÀ XỨ

Phía tây, cách đầu Nhà thờ một đường kiệu rộng 6m, bên trong dãy tường bao dài 120m là khuôn viên Nhà xứ – Nhà giáo lý. Khách qua cổng phía nam vào Nhà xứ, qua cổng phía bắc vào khu Nhà giáo lý.

Nhà xứ gồm 2 nhà chính liền nhau theo hình thước thợ.

  • Nhà A quay hướng nam được xây dựng năm 1953, có 4 phòng. Ban đầu lợp bổi rất dày, đến tháng 9 năm 1999 thay bằng ngói đỏ. Đây là nơi ở và tiếp khách của Cha xứ.
  • Nhà B quay hướng đông, nhìn ra đầu Nhà thờ. Nhà này do Cha Giuse Văn chỉ đạo xây năm 2001, có một phòng họp lớn và 2 phòng nhỏ. Đây là nơi hội họp và điều hành công việc của Bạn chấp hành giáo xứ.

Phía trước 2 ngôi nhà trên là sân và vườn hoa. Giữa sân có bể non bộ, trong vườn hoa nổi lên đài tượng Chúa Giêsu Vua.

Khu phía sau nhà A, cách một sân rộng là Nhà giáo lý I xây năm 2004. Quay hướng nam dài 25m, rộng 6m, mái ngói thông hiên. Nối liền với Nhà B và Nhà giáo lý I là Nhà giáo lý II xây năm 2005. Quay hướng đông dài 27m, rộng 5,8m, mái ngói thông hiên.

Cả hai nhà giáo lý đền được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Cha Phêrô Nguyễn Văn Tĩnh.

Cần nói thêm: Ngoài 2 Nhà giáo lý tập trung trên xứ, ở các Giáo họ đều có nhà giáo lý riêng, tạo thành một hệ thống cơ sở giáo dục đức tin cho đàn em nhỏ của giáo xứ.

CÔNG VIÊN XANH

Liền kê với nhà B và nhà giáo lý 2 về phía tây khuất sau 2 nhà trên là khu sinh hoạt và vườn cây lưu niên. (công viên xanh).

Sau khi về nhận xứ 1 ngày, Cha Antôn Đoàn Minh Hải bắt tay ngay vào công cuộc chỉnh trang nâng cấp toàn bộ các công trình của giáo xứ để chuẩn bị cho Năm Thánh. Từ nhà thờ đến các công trình tổng quan (Lễ đài Thánh Thể, Đài Chúa lên trời, Núi Lộ Đức, phần mộ Cha già Nghiễm, đường kiệu, bồn hoa, nhà A, nhà B, khu sinh hoạt. v.v..) đều được tu sửa lại cho khang trang và tiện dụng.

Ngày 06 tháng 02 năm 2007 Kỷ niệm Ngân Khánh Cha Antôn, mọi người trong giáo xứ cũng như các vị khách đều ngỡ ngàng trước cảnh 600 người ngội dự tiệc trong vườn cây Nhà xứ. Vì khuất sau một dãy nhà nên ít người biết, chỉ trước đó mấy ngày, vườn cây lưu niên (chủ yếu là hồng xiêm, nhãn) đã được chỉnh sửa có hàng lối và 400m2 đường bê tông trong công viên xanh đã được làm xong. Đây sẽ là nơi nghỉ ngơi thư giãn cho quý khách 4 phương về hành hương Năm Thánh.

CÁC GIÁO HỌ TRONG XỨ

(Thời điểm 01 tháng 01 năm 2007)

1 – Họ Kim Tùng

Thành lập:   năm 1946

Quan thầy:  Đức Mẹ Mân Côi

Giáo dân:    117 gia đình – 570 nhân danh

Nhà thờ cũ làm năm 1952

Nhà thờ hiện nay xây dựng năm 2001

2 – Họ Tân Tùng

Thành lập:   năm 1946

Quan thầy:  Thánh Gioan Tẩy Giả

Giáo dân:    228 gia đình – 992 nhân danh

Nhà thờ cũ làm năm 1950 (lần I) – 1958 (lần II)

Nhà thờ hiện nay xây dựng năm 2000

3 – Họ Tòng Phát

Thành lập:   năm 1949

Quan thầy:  Thánh cả Giuse

Giáo dân:    249 gia đình – 1058 nhân danh

Nhà thờ cũ làm năm 1957

Nhà thờ hiện nay xây dựng năm 2006

4 – Họ Tòng Đức

Thành lập:   năm 1949

Quan thầy:  Chúa Giáng Sinh

Giáo dân:    199 gia đình – 1016 nhân danh

Công trình giáo họ:         Núi – Hang Bêlem (năm 1993)

Nhà thờ hiện nay xây dựng năm 2019

5 – Họ Phúc Từ

Thành lập    :         năm 1949

Quan Thầy  :         Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Giáo dân     :         208 gia đình – 957 nhân danh

Công trình giáo họ:         Lễ Đài Kính Thánh thể (năm 1998)

6 – Họ Nghĩa Từ

Thành lập    :         năm 1949

Quan thầy:  :         Chúa Lên Trời

Giáo dân     :         184 gia đình – 851 nhân danh

Công trình giáo họ: Tượng Đài chúa Thăng Thiên (năm 1994)

7 – Họ Hợp Thành (Từ ngày 02/3/2007 là xứ hợp Thành)

Thành lập    :         năm 1949

Quan thầy   :         Thánh Vinh Sơn Phêriô

Giáo dân     :         466 gia đình – 2012 nhân danh

Nhà thờ cũ làm năm 1957

Nhà thờ hiện nay xây dựng năm 1997

8 – Họ Phùng Thiện

Thành lập    :         năm 1949

Quan thầy   :         Thánh Phêrô Tông đồ

Giáo dân     :         175 gia đình – 787 nhân danh

Nhà thờ cũ làm năm 1950

Nhà thờ hiện nay xây dựng năm 1994

CÁC GIÁO HỌ VÙNG KINH TẾ MỚI (từ 14/02/2006 là xứ Kim Trung)

9 – Họ Kim Đông (Kim Thành cũ)

Thành lập năm 1990

Quan thầy: Thánh Antôn

Giáo dân (Cuối năm 2005):      298 gia đình – 1416 nhân danh

10 – Họ Kim Trung

Thành lập năm 1993

Quan thầy: Thánh Phanxicô

Giáo dân (cuối năm 2005):       322 gia đình – 1414 nhân danh

11 – Họ Kim Tạo

Thành lập năm 1993

Quan thầy: Thánh Giuse

Giáo dân (cuối năm 2005):       158 gia đình – 678 nhân danh

12 – Họ Kim Hải

Thành lập năm 1993

Quan thầy: Thánh Phêrô Tông Đồ

 

HOA TRÁI ĐẦU MÙA

“Cây mà tốt thì quả cũng tốt, cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây” (Mt 12.33)

Sáu mươi năm giáo hội trồng cây Thánh giá trên đất Cồn Thoi. Cây đã tốt xanh và cho hoa trái đầu mùa,

Lễ vật này chúng con Kính dâng lên Chúa.

I – CÁC LINH MỤC QUÊ HƯƠNG CỒN THOI

  • Cha Giuse Vũ Công Hoàng

Sinh năm 1938

Thụ phong LM 13/5/1982

  • Cha Gioan Đinh Công Dũng

Sinh năm 1940

Thụ phong LM 13/5/1982

  • Cha Giuse vũ Dần (Lâm)

Sinh năm 1938

Thụ Phong LM 11/6/1967

  • Cha Phêrô Nguyễn Văn Tuyên

Sinh năm 1954

Thụ phong LM 00/0/19…..

  • Cha Giuse Phan Chu Kim

Sinh năm 1941

Thụ phong LM năm 1997

  • Cha PhanxicôX Nguyễn Đức Quỳnh

Sinh năm 1955

Thụ phong LM 22/3/1980

  • Cha Phêrô Lê Minh Hưởng

Sinh ngày 14/01/1963

Thụ phong LM 01/01/2004

 

CÁC BAN NGÀNH HỘI ĐOÀN

Trong giáo xứ có nhiều Ban nghành, Hội đoàn. Mỗi tổ chức đều có chức năng nhiệm vụ riêng. Theo tính chất và công việc của từng đơn vị, có thể sắp xếp các Ban nghành, Hội đoàn vào bốn khối:

  • Khối Ban nghành theo giới.
  • Khối Ban nghành chuyên môn và phục vụ.
  • Khối các hội đạo đức.
  • Khối bồi dưỡng ơn gọi.

A – CÁC BAN NGHÀNH THEO GIỚI

  1. Ban Quản Giáo Nhi Đồng

Quan thầy: Các Thiên Thần bản mệnh.

Các em nhỏ là những người chủ tương lai của Giáo Hội, là đối tượng được Chúa Giêsu và Giáo hội quan tâm cách đặc biệt. Để giáo dục đức tin cho các em, dẫn dắt các em đến bàn tiệc Thánh và lớn lên trong Chúa Thánh Thần. Ban quản giáo nhi đồng và đội ngũ giáo lý viên là những Thầy cô giáo nhiệt tâm, tận tình dạy dỗ giáo lý kinh bổn cho các em, quản lý các em giữ trật tự nghiêm trang trong giờ chầu lễ. Cùng với gia đình và cộng đoàn, các ông bà quản giáo là những người bảo vệ các em không bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu.

  1. Ban Quản Giáo Thanh Niên

Quan thầy: Thánh Gioan Don Bossco.

Lớp người giầu sức sống và sôi nổi nhất là thanh thiếu niên. Cùng với sự lớn mạnh về thể xác, các bạn thanh thiếu niên cũng có nhiều biến đổi về tâm lý và nếp sống đạo đức. Sự biến đổi đó nếu không được giáo dục và hướng dẫn chu đáo sẽ làm cho giới trẻ gặp nhiều hiểm họa trong giai đoạn đầu đời.

Các vị quản giáo thanh thiếu niên là người thầy, người bạn luôn gần gũi giới trẻ, thực hiện những chương trình đạo đức và bổ ích, giới trẻ sẽ sống đạo cách sốt sắng, góp sức xuân vào công cuộc canh tân bản thân, dấn thân phục vụ và góp phần xây dựng một xã hội công bằng.

  1. Ban Gia Trưởng

Quan thầy: Thánh Gia Thất.

Thành lập năm 1989. Tất cả những người đứng đầu gia đình đều là thành viên trong ban gia trưởng, có trách nhiệm giúp nhau sống đạo đức, nuôi dưỡng giáo dục con cái theo tinh thần của điều răn thứ bốn, đấu tranh chống các thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội. Các gia trưởng tham gia tích cực vào công việc từ thiện bác ái, giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn, làm nhiệm vụ hòa giải khi trong gia đình hoặc tập thể nào nảy sinh mâu thuẫn bất hòa, hàn gắn những rạn nứt, tạo bầu khí đoàn kết yêu thương trong cộng đoàn và xã hội, truyền bá tin mừng cho những người anh em chưa nhận biết Chúa.

  1. Ban Hiền Mẫu (các bà mẹ công giáo)

Quan thầy: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Thành lập năm 1947. Tất cả phục nữ đã lập gia đình đều là thành viên Ban hiền mẫu. Là những người mẹ hiền, các bà mẹ công giáo trước hết phải lo nuôi dưỡng giáo dục con cháu bằng tình yêu thương và tinh thần phục vụ. Tính nết hiền dịu, ân cần, đảm đang, thạo việc nữ công gia chánh sẽ làm cho gia đình thêm hạnh phúc và bền chặt. Tấm gương của Đức Maria, Thánh nữ Monica là khuôn mẫu cho mọi bà mẹ công giáo. Bằng sự nhiệt tình và hảo tâm, các bà đóng góp tích cực cho nguồn tài chính của giáo xứ, giáo họ. Các bà hiền mẫu Cồn Thoi luôn luôn có vai trò, vị trí quan trọng trong giáo xứ. Trong thời kỳ khó khăn, các bà âm thầm lo liệu công việc phụng vụ, lo đời sống cho các Cha các thầy, đỡ đầu anh chị em ca đoàn. Nhiều bà đứng ra nhận trách nhiệm làm quản giáo, Ban Thánh thể… Các bà là những thành viên tích cực trong giai đoạn khó khăn…

B – CÁC BAN CHUYÊN MÔN VÀ PHỤC VỤ

  1. Ban Thánh Thể

Quan thầy: Trái tim Chúa Giêsu

Thành lập năm 1947. Trong bất cứ hoạt động phụng vụ nào, các thành viên ban Thánh thể đều  có phần tham gia của mình. Từ trang trí khánh tiết các buổi chầu lễ trọng đến việc giúp đỡ các Cha, các thầy khi cử hành bí tích, giúp đỡ người yếu liệt chịu mình Thánh Chúa, được sự yên ủi trong trái tim nhân lành của chúa Giêsu.

  1. Ban Phượng Tự

Quan thầy: Đức Mẹ lên Trời.

Thành lập năm 1947. Mỗi buổi chầu lễ có được trang nghiêm và sốt sắng hay không là nhờ sự hoạt động của ban phượng tự. Từ việc giữ trật tự quy củ đến việc bảo quản các đồ nghi tượng, khiêng kiệu vàng cung nghinh Đức Mẹ đến những công việc đột xuất cần có nhân lực, Ban phượng tự đều sẵn sàng đáp ứng.

  1. Ca Đoàn Truyền Tin

Quan thầy: Thiên thần truyền tin Chúa nhập Thể

Thành lập năm 1947. Là ca đoàn được tổ chức và hoạt động ngay từ những ngày sơ khai của giáo xứ. Qua nhiều bước thăng trầm, có lúc cả ca đoàn chỉ có mấy người nam giới. Nhưng cũng có khi số thành viên lên tới hàng trăm anh chị em giới trẻ. Những năm gần đây, ca đoàn Truyền tin xứ Cồn Thoi là một trong nhóm ca đoàn mạnh của giáo phận. Tiếng hát khỏe khoắn sôi nổi của anh chị em đã giúp cho các buổi phụng vụ thêm sốt sắng, thấm sâu lời Chúa vào tâm hồn mọi người cách nhẹ nhàng.

  1. Ca Đoàn Thánh Gia

Quan thầy: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền Thánh

Thành lập năm 2004. Ban gia trưởng và hội Mân côi là hai đơn vị bảo trợ hoạt động của ca đoàn Thánh gia. Không sôi nổi trẻ trung như ca đoàn Truyền Tin, ca đoàn Thánh gia thể hiện tiếng hát với tâm tình suy tư sâu lắng. Dù mới được thành lập từ năm 2004 nhưng ca đoàn Thánh gia đã trưởng thành mau chóng góp phần xứng đáng vào công việc phụng vụ, động viên mọi người sống đạo theo mẫu gương Thánh gia, tận  tình yêu thương và phục vụ như lời Chúa răn dạy.

  1. Ca Đoàn Têrêsa

Quan thầy: Thánh nữ Têrêsa Hài đồng

Thành lập năm 1995, Ca đoàn “nhí” đem tiếng hát trong trẻo như chim sơn ca của mình phục vụ các buổi phụng vụ dành riêng cho thiếu nhi. Xưa Chúa Giêsu đã nhiều lần yêu cầu các tông đồ hãy đem trẻ nhỏ đến cùng Chúa. Chính cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá đã hào hiệp dâng cho Chúa, giúp cho trên năm ngàn người được no nê. Ca đoàn Têrêsa phục vụ vô tư và hết mình trong các giờ phụng vụ cũng như các chương trình văn nghệ của giáo xứ. Đó thực sự là tiếng hát dễ thương nhất.

  1. Các Đội Dâng Hoa

Mỗi giáo họ có một đội tiến hoa. Các em nhỏ vừa đi học văn hóa vừa tranh thủ thời gian luyện tập dâng hoa Kính Đức Mẹ. Trong hàng ngũ các buổi rước kiệu, 160 em tiến hoa với y phục đồng bộ tạo ra một nét đẹp riêng. Giáo xứ thường tổ chức những buổi dâng hoa cộng đồng tại Thánh đường giáo xứ. Đôi khi còn tham gia rước kiệu và dâng hoa ở các giáo xứ lân cận.

  1. Hội Tây Nhạc (Kèn Đồng)

Quan thầy: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Thành lập năm 1949. Đồng phục đều, hàng ngũ nghiêm trang, tiếng kèn vang xa khi trầm hùng, khi tha thiết. Hội tây nhạc xứ Cồn thoi luôn luyện tập chăm chỉ, nâng cao kỹ thuật và chất lượng phục vụ. Các bài kèn truyện thống cũng như các bản nhạc Thánh ca đều được chọn lựa cho phù hợp với từng buổi Chầu Lễ, rước kiệu.

Ngoài việc phục vụ trong Giáo xứ, Hội tây nhạc nhiều lần được mời tham gia các buổi Lễ trọng trên Giáo Phận và các xứ bạn.

  1. Hội Nam Nhạc

Quan thầy: Thánh nữ Xêxilia

Thành lập năm 1950. Trực thuộc giáo họ Phúc Từ. Đến năm 2000 Hội nam nhạc do Giáo xứ điều hành.

Đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn bầu, sáo trúc, trống, phách cùng hòa âm những bản nhạc nghi lễ cổ xưa, cả những bài Thánh ca mới cũng được Hội nam nhạc sử dụng phục vụ các buổi rước kiệu, các tối ngắm trong tuần Thánh và các buổi lễ tang. Thật đáng trân trọng những nhạc công Hội bát âm, trước sự lấn lướt của các dàn nhạc mới, những nghệ sỹ không chuyên vẫn gắn bó với nhạc cụ dân tộc.

Một kỷ niệm khó quên: Đức Hồng Y chủ tịch Thánh bộ Công lý và hòa bình khi về thăm Phát Diệm đã dừng lại thăm hỏi động viên, kéo thử đàn nhị và chụp ảnh chung với Hội Nam nhạc xứ Cồn Thoi.

  1. Các Hội Trống

Giáo xứ Cồn thoi có 3 Hội trống do các Giáo họ tổ chức và quản lý:

– Hội trống giáo họ Tân Tùng – Quan thầy: Thánh Phaolô trở lại.

– Hội trống họ Phùng Thiện – Quan thầy: Các tổng lãnh Thiên Thần.

– Hội trống họ Hợp Thành – Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Phục vụ trong các dịp lễ tronjgm các buổi rước kiệu, các ngày lễ hội của Giáo xứ, Giáo họ. Nhiều hôm nắng hè nóng như đổ lửa, các thành viên hội trống áo đẫm mồ hôi vẫn giữ vững đội hình phục vụ không mệt mỏi. Khi  được hỏi, một thành viên vui vẻ trả lời: Chúng tôi có thể đánh trống suốt cả buổi, không sợ mệt mỏi, không sợ nắng gắt, miễn là được góp phần làm sáng danh Chúa.

CÁC HỘI ĐẠO ĐỨC

  1. Hội Mân Côi

Quan thầy: Đức Trinh Nữ Maria.

Xuất phát từ lòng sùng kính Đức Mẹ và nhận thức rõ những ơn ích to lớn của lần hạt Mân Côi. Nên Hội Mân Côi là một tập thể có số người tham gia đông đảo nhất. Đến đầu năm 2007 toàn Giáo xứ có 36 phái tràng hạt, số hội viên là 1325 người.

Các phái Mân Côi là nòng cốt trong các buổi đọc kinh chiều tối tại các nhà thờ xứ, họ. Khi gia đình có người qua đời hoặc ngày giỗ người thân, Hội Mân Côi đến đọc kinh lần hạt tại nhà, đọc lời Chúa, hát các bài cầu cho các linh hồn, đem lại sự yên ủi và lòng sốt mến cho mọi gia đình.

Có một vị khách xa xứ về thăm quê, trực tiếp tham gia những hoạt động đạo đức của Hội Mân Côi, Ban gia trưởng đã thốt lên:

Đàn bà cũng là gia trưởng

Đàn ông cũng Hội Mân Côi

Thật là quý hóa

  1. Hội Cựu Tông Đồ

Quan thầy: Thánh Gioan tông đồ.

Là các vị cựu chức đã mãn nhiệm, sau khi hoàn thành trọng trách được giao, các vị cựu chức tham gia vào Hội cựu tông đồ để tiếp tục thánh hóa bản thân, chỉ bảo cho con cháu biết đi đường lành, tránh đường xấu, làm tròn bổn phận người Kitô hữu.

Với sự từng trải và kho kinh nghiệm qua nhiều tháng năm thi hành phận sự trong Giáo xứ, giáo họ, các vị cựu tông đồ làm cố vấn quý báu để thực hiện tốt các chương trình của Giáo xứ, giáo họ.

Khi trong cộng đoàn phát sinh những chuyện phức tạp, mâu thuẫn, các vị cựu tông đồ kết hợp với Ban gia trưởng hóa giải những vấn nạn đó.

  1. Hội Tông Đồ Cầu Nguyện

Quan thầy: Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ

Do những điều kiện và hoàn cảnh riêng, một số chị em không xây dựng gia đình, cũng không vào tu viện được. Nhờ chúa Thánh Thần linh hướng, với tâm nguyện và hoàn cảnh chung, các chị đã quy tụ trong Hội tông đồ cầu nguyện, thực hiện tu giữa đời thường.

Sự tham gia tích cực của các chị trong đội ngũ giáo lý viên, xướng kinh đọc sách trong các phiên chầu lễ, đảm bảo cho thánh đường luôn ngăn nắp sạch sẽ. Bằng những công việc thầm lặng, khiêm nhường, các chị là những thành viên nhiệt tình góp phần tích cực vào công việc phụng sự của Giáo xứ.

GHI ƠN NHỮNG TẤM LÒNG HÀO HIỆP

Trong sự phát triển và trưởng thành của Giáo xứ, biết bao hồng ân của Chúa đã trải dài suốt 60 năm. Từ sự chăm lo của các Đấng chủ chăn và Bề trên Giáo Phận, còn có biết bao gương sáng hy sinh trong cộng đoàn giáo xứ, bằng công sức và của cải vật chất, với tấm lòng tin – Yêu, tuyệt đối phó thác. Không ít những bậc tiền nhân đã vì Danh Chúa, chấp nhận gian nan thử thách trọn cả cuộc đời. Trang lịch sử 60 năm của giáo xứ còn đậm nét biết bao sự cống hiến của rất nhiều quý vị ân nhân bằng mọi hình thức, trong danh dự cũng như trong âm thầm lặng lẽ. Tiêu biểu như: Đức Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu, từ Lạng Sơn xa xôi cũng hướng về quê hương, tận tình trong việc xây dựng Thánh đường. Cha Phêrô Nguyễn Văn Tuyên, du cách xa nửa vòng trái đất cũng luôn hướng về xứ quê hương Cồn thoi, cái nôi thời thơ ấu của Ngài, không ngừng giúp đỡ mọi mặt. Trên một ngàn ân nhân xa gần, trong và ngoài giáo xứ, đã dâng tặng biết bao công của để làm nên cảnh quan khang trang hiện nay.

Noi gương các bậc tiền bối, những thế hệ con cháu đang phát huy truyền thống tốt đẹp, tiếp tục biểu lộ Đức Tin bằng mọi hình thức, thể hiện lòng mến Chúa như

– Ông bà Luca Hoàng Văn Vị –  Nghĩa Từ               – Ông bà Giuse Vũ Văn Thức – Kim Tùng

– Ông bà Giuse Lại Thế Kiều –  Nghĩa Từ     – Ông bà Đôminicô Trần V Tuân – Phùng Thiện

– Ông bà Giuse Trần Văn Tường – Phúc Từ  – Ông bà Giuse Phạm Văn Tuấn – Hợp                                                             Thành

– Ông bà Phêrô Trần Văn Nhân – Tân Tùng  – Ông bà Phêrô Trần Văn Tình – xứ Hàm Long (Gp Hà Nội)

– Ông bà Giuse Phạm Văn Hòa – Tân Tùng  ……………………………………………………….

Và rất nhiều các ông bà anh chị em không muốn nêu tên, đã quảng đại trong việc xây dựng Giáo xứ.

Cộng đoàn giáo xứ Cồn Thoi xin trân trọng ghi ân. Nguyện xin Thiên chúa trả công bội hậu cho các bậc tiền nhân, các vị ân nhân đến muôn đời.

D – KHỐI BỒI DƯỠNG ƠN GỌI

  1. Hội Gia Đình Tu Sỹ

Sau chuyến hành hương thánh đô Vatican, Cha Phêrô Hồng Phúc kể lại ý kiến Đức Hồng y Crescenzio Sepe (Tổng trưởng Bộ truyền bá tin mừng cho các dân tộc của Tòa Thánh). Ngài đánh giá cao khả năng truyền giáo của tu sỹ Việt Nam tại Mông Cổ, Myanma, Lào, Campuchia V.V … Trong tương lai, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa tinh thần truyền Giáo là lệnh truyền của Chúa.

Tính đến ngày 01 tháng 5 năm 2007, Giáo xứ Cồn Thoi có 7 linh mục quê hương và 43 tu sỹ nam nữ. Để giúp đỡ anh chị em đi theo ơn gọi, Hội các gia đình tu sỹ là những nhà bảo trợ, động viên tinh thần vật chất cho các tu sỹ, cùng nhau dâng hiến những người con thân yêu của mình đi phục vụ Hội Thánh, truyền bá tin mừng cho muôn dân.

  1. Các Chú Giúp Lễ

Quan thầy: Thánh Laurensô

Tất cả các linh mục quê hương xứ Cồn Thoi khi còn nhỏ đều là các chú giúp lễ. Luôn luôn gần gũi Bàn tiệc Thánh và các Cha khi làm mục vụ, các chú giúp lễ lãnh nhận được nhiều ơn ích, được rèn luyện kỷ luật và đạo đức.

Qua những công việc nhỏ bé ấy, dần dà lòng mộ mến đời sống tu trì và hướng tới Thánh chức linh mục đã tăng thêm theo năm tháng. Khi ơn gọi đến, các chú sẵn sàng lên đường theo chân Chúa. Như xưa Chúa đã gọi Phêrô, Gioan, Mátthêu V.V… Chỉ cần Chúa nói: “Hãy theo ta”, các vị đã từ bỏ tất cả để đi theo Ngài.

Dĩ nhiên, sự nâng đỡ giáo dưỡng của các Cha nghĩa phụ, sự quan tâm động viên của cộng đoàn  và Hội gia đình tu sỹ cũng là một công lực nâng các “chú tiểu” lên những bậc thang thần.

 

PHẦN V – NHỮNG DÒNG CẢM NHẬN

 

ĐÔI DÒNG TÂM SỰ

Cồn Thoi xưa bãi tân bồi

Hoang vu sậy vẹt, xa xôi vắng người

Giáo dân nghèo đói khắp nơi

Về đây lập ấp giữa thời khó khăn

Khởi công Ất dậu bốn nhăm (1945)

Quai đê lấn biển hai năm mới thành

Đất Cồn đê mới bao quanh

Hình thoi, nên gọi địa danh bây giờ

Bao năm nuôi một ước mơ

Sao cho có một nhà thờ khang trang

Bề trên thương, Chúa ân ban

Thánh đường lộng lẫy, chuông vang sớm chiều

Khuôn viên thắng cảnh mỹ miều

Hồ sâu núi mọc, cầu kiều vượt ngang

Thăng thiên tượng Chúa cao sang

Lễ đài Thánh thể lại càng đẹp hơn

Phía trên là núi Lộ Sơn

Mẹ mân côi ngự ban ơn  tháng ngày

Sáu mươi năm bước đổi thay

Trào dâng sức sống hăng say giáo đoàn

Đón mừng năm Thánh hân hoan

Tạ ơn Thiên Chúa vinh quan muôn đời.

Augustino Đinh Quang Chẩn

CỒN THOI 60 NĂM HỒNG ÂN

Bao la tình Chúa thương yêu

Ngài luôn ấp ủ sớm chiều lo toan

Thấy đoàn con cái gian nan

Gặp năm Ất dậu (1945) muôn vàn đắng cay

Đức Cha tiên khởi ra tay

Ngài dòng họ Nguyễn tên nay Bá Tòng

Khởi công đê biển khoanh vùng

Cứ dân nghèo đói hãi hùng thoát nguy

Phần xác nâng đỡ bù trì

Phần hồn sai đấng dẫn đi ngay lành

Giuse Cha xứ quý danh

Là Nguyễn Hữu Nghị thực hành chủ chăn

Đắp đê vừa được hai năm

Cồn Thoi lập xứ, Lễ nhằm Mân Côi

Tháng mười, mừng bảy sánh đôi

Cùng năm bốn bảy (1947) xứ nơi Kim Tùng

Tên xứ – tên đẹp nhất vùng

Danh Đức Giám mục Bá Tòng kính yêu

Bao gồm sáu họ thủy triều

Tân Thành, Tùng Thiện, hàng đều Tân Trưng

Xuân Hòa cùng với Tân Tùng

Kim Tùng trị sở, tên dùng ba năm

Năm bốn chính dân gia tăng

Lập thêm bảy Họ sánh bằng xứ to

Phúc Từ, Tòng Đức chăm lo

Cùng Tòng Phát, với cả kho Nghĩa Từ

Kim Thành tính mấy cũng vừa

Lạc Thành, Phùng thiện, xin thưa

Bề trên lo lắng bồi hồi

Trung tâm Thờ phượng đặt nơi hợp tình

Năm bốn chính tiết thanh minh

Được phép chuyển xứ xuống dinh Phúc Từ

Là họ trị sở hiện  giờ

Đổi tên xứ mới: Nhà thờ Cồn Thoi.

Hồng ân đổ xuống không ngơi

Tám năm sống đạo là nơi toàn tòng

Năm tư (1954) biến cố cả vùng

Kẻ đi kẻ ở lao lung khắp miền

Ơn Chúa gìn giữ liên liên

Cha Phêrô Vọng từ miền xa xôi

Trở về chính xứ chúng tôi

Cha xây Nhà Chúa đủ mười năm gian

Là nền móng Chúa thương ban

Chờ khi thuận tiện lo toan Thánh đường

Chúa luôn dạy phải khiên nhường

Là đường Thánh Giá nêu gương Chúa làm

Cồn Thoi qua lửa thử vàng

Đức Cha ban tặng kho tàng Chúa trao:

Giuse Cha cố thanh cao

Cha Vũ Bá Nghiễm bằng cao, thấp vừa

Hướng đoàn chiên mọn sớm trưa

Đức tin ngời sáng, dẫn đưa đúng đường

Phần năm thế kỷ can trường

Trọn đời Linh mục Cha nhường Cồn Thoi

Ơn Chúa tuôn xuống khôn vơi

Đơm bông kết trái sáng ngời biển Đông

Cha Quỳnh đệ tử nối dòng

Dắt đoàn chiên Chúa sống trong ơn lành

Kiên tâm giữ đạo trung thành

Tin mừng đạo Chúa lan nhanh không cùng

Kim Hải, Kim Tạo, Kim Trung

Kim Đông, các họ suốt vùng đê bao

Hợp về xứ Mẹ tâm giao

Chung tay xây dựng, tự hào anh em

Năm Nhâm Thân (1992) ơn bề trên

Góp công góp của mọi miền thương yêu

Với bao cố gắng sớm chiều

Xây Thánh đường lớn với nhiều cảnh quan

Có phần giúp đỡ lo toan

Cha Hoàng, Cha Dũng luận bàn thủy chung

Có ban cố vấn ung dung

Ban chấp hành xứ hiệp cùng giáo dân

Đoàn kết nhất trí canh tân

Nhà thờ xứng đáng tri ân Chúa Trời

Đến nay cảnh đẹp tuyệt vời

Thêm khu Nhà xứ xứng nơi hội đường

Cha Văn, Cha Tĩnh yêu thương

Xây nhà Giáo lý, xây tường bao quanh

Với đoàn giáo hữu trung thành

Nhiệt tình góp sức, thực hành mến yêu

Bề trên lo lắng sớm chiều

Xứ sáu mươi tuổi đón nhiều Thiên Ân

Cha Antôn Hải canh tân

Tâu xin Năm Thánh góp phần khang trang

Vui lòng Tòa Thánh thương ban

Cho mở Năm Thánh đón ngàn Hồng Ân

Khai mạc mồng một tháng năm

Hai ngàn lẻ bảy thành tâm đón mừng

Ơn Toàn Xá trọng vô cùng

Tạ ơn Thiên Chúa rộng lòng thi Ân

Cồn Thoi hạnh phúc muôn phần

Đón mừng quý khách xa gần thông công.

Giuse Vũ Ngọc Tuế

 

 

TRUYỆN TRONG XỨ ĐẠO

I – CHUYỆN LÀM NHÀ THỜ

1 – CHỊU CHA DŨNG THÔI

Hôm đặt thượng lương nhà thờ xứ Cồn Thoi (26/7/1992) Cha quê hương Đinh Công Dũng – phụ trách kiến thiết của Giáo phận về tham gia.

Sau khi đặt thượng lương xong, Cha là người đầu tiên đi dọc trên nóc nhà thờ để kiểm tra chất lượng. ở dưới nhìn lên là một khoảng trống ghê người. Cha đi nhanh nhẹn không hề ngại ngùng. Cánh thợ mộc thợ nề bảo nhau: “xin thua cụ phó Dũng!”.

Khi Cha xuống nền nhà thờ, các bà các cô xúm quanh cha đồng thanh nói: Chúng con lo quá đi mất, thật đến chịu Cha Thôi! (bật mí một chút: Cha Dũng đã nhiều năm làm thợ mộc phục vụ bà con trong xứ).

2 – PHÉP LẠ NHÃN TIỀN

Gác đàn là nơi dành cho ca đoàn phục vụ các buổi chầu lễ trọng. Gác đàn nhà thờ Cồn Thoi ở trên độ cao 6m.

Hôm mới đúc bê tông xong mấy ngày chưa có lan can bảo vệ, thì một em bé 8 tuổi lên xem. Vì vô ý nên em rơi cá “Bộp” rồi ngất lịm. Mọi người hoảng hốt chạy đến vực em dậy đưa vào nhà xứ chăm sóc và bảo nhau “chắc nó chết, phải báo ngay cho bố mẹ nó thôi”.

Đúng lúc ấy em tỉnh dậy, ngồi lên kêu van: “xin các ông đừng báo cho bố mẹ cháu, kẻo bố cháu đánh cháu chết”.

Sau đó em uống cốc nước đường rồi về nhà bình thường. Mọi người cười ầm cả lên và bảo nhau: đúng là phép lạ!

3 – HÀNH KHẤT GÓP PHẦN

Cụ Xuyến vừa già yếu vừa kém mắt, điều kiện đời sống khó khăn, nên cụ phải làm nghề hành khất

Khi xứ Cồn Thoi làm nhà thờ (1992) hằng ngày cụ đi xin gạo các nơi gom lại, cứ mấy buổi cụ lại đem về đổ vào thùng gạo của nhà xứ. Bình quân mỗi ngày cụ xin được từ 2 đến 3 kg gạo, cụ  đều góp vào xây dựng nhà Chúa. Trong mười tháng thi công tính ra cụ âm thầm góp tới 4 – 5 tạ gạo. Tưởng là chuyện vặt, thế mà thành việc lớn.

Liên tưởng đến câu truyện thánh Máccô kể về đồng xu của bà góa nghèo. Khi nhìn thấy bà bỏ đồng xu còm cõi của mình vào hòm công đức. Chúa Giêsu nhận xét: “bà góa nghèo này bỏ vào hòm nhiều hơn ai hết.” (Mc.12.43).

4 – CÓ CÁC BÀ LÀ ĐỜI SẼ TƯƠI

Các bà cụ già và các bà trung niên là đội ngũ lo việc tiếp lương nuôi quân hữu hiệu nhất. Một buổi trưa hè, cánh thợ mồ hôi mồ kê nhễ nhại, người nào người nấy mặt đỏ bừng bừng vì nắng gắt, những câu chuyện tếu cũng tắt dần.

Bỗng một người reo lên: “A… đến rồi, đến rồi, sống rồi!”.

Nhìn ra thì một tốp các bà đội thúng tiến đến: nào dừa, nào đường, nào mía, toàn những thứ nhìn đã thấy tỉnh cả người. Một anh tém tuốc hò lên:

Hoan hô các mẹ các bà

Cho dừa cho mía thế là đời tươi

Một anh khác đế theo:

Ơ hò… anh em cánh thợ chúng ta

Không có các mẹ thì là mất tươi

Hò lơ hó lơ … hò lờ

5 – TƯỞNG KHÓ, MÀ DỄ.

Năm 1992 các họ Tòng Đức, Phúc Từ, Nghĩa Từ còn chung một họ lớn (gọi là họ Phúc Từ). Ba khu vực gọi là ba Dâu, luân phiên mỗi Dâu phục vụ xây nhà thờ xứ một ngày, mỗi ngày khoảng 60 lao động. Buổi trưa nghỉ việc ăn cơm tại nhà ông trùm Khoa, nghỉ tại chỗ đến 2 giờ chiều lại lên công trường xây dựng. Giáo họ Phúc Từ thành lập một ban kinh tế vận động bà con ủng hộ tiền gạo cho người đi làm một bữa cơm thường.

Vào kỳ giáp hạt, bờ bãi kém nước, tôm cá ít. Đoàn vận động xuống dân cũng có lúc khó. Một hôm khoảng 10 giờ sáng, đoàn về sớm cười nói râm ran. Nhìn ra thì thấy hai người khiêng một chú khuyển nặng chừng 20kg.

Loáng một cái, chú khuyển đã nằm trên giàn thui. Một vị vừa quạt lửa vừa kể: “chúng tôi vào nhà ông T, thấy ông băn khoăn vì bà đi vắng, vả lại gia đình lúc này đang kẹt tiền. Đoàn đang định ra về thì có hai chú khuyển chạy qua cửa. Ông T chỉ thị luôn: “Tôi xin giúp một con cầy, nó đấy”. Rồi ông lấy cơm nguội cho nó ăn và tự tay bắt giao cho đoàn. Đến đây ông kể chuyện hạ một câu bình:

Đúng là xin tiền thì khó, xin chó thì dễ.

Một ông tâng tâng bảo: “bận sau cứ thế mà làm”

Hôm ấy những người đi làm được một bữa khoái khẩu, và một trận cười “quá đã”

6 – MỘT CON HEO BA BỘ LÒNG

Quả trứng hai lòng thì có, chứ đàng này một con heo mà có ba bộ lòng thì chỉ có … … bịa!

Ư chuyện thật như … bịa mà lị

Vẫn là chuyện họ Phúc từ phục vụ xây nhà thờ. Một hôm ông trùm Nhì đến gọi ban hậu cần cho một chú heo 40kg. Một số vị đề nghị làm một chầu “lô lô ti ca” (lòng lợn tiết canh).

Buổi trưa về, mọi người hoan hỉ được một chầu nhậu son tươi. Hôm ấy khối Tòng Đức phục vụ. Hôm sau đến khối Phúc Từ, lại thấy “lô lô ti ca”.

Đến phiên khối Nghĩa Từ, mấy vị rỉ tai nhau: “hai ngày qua họ đều có món lòng lợn tiết canh, để xem hôm nay thế nào?”

Buổi trưa đi làm về vẫn thấy “lô lô ti ca”. Quá đỗi ngạc nhiên, một cố cựu hỏi: Xin hỏi ban hậu cần, ba ngày nay các ông lấy tiền ở đâu mà lòng lợn tiết canh suốt như vậy? Mỗi ngày một con lợn thì cả năm trời lấy gì mà ăn?

Ông trưởng ban hậu cần xoa tay lễ phép thưa:

  • Thưa các cụ, trong họ không chi một đồng nào mua lợn cả.
  • Ông nói lạ!
  • Thưa lạ… mà đúng vậy đấy ạ.

Số là ông trùm Nhì giúp cho một con heo. Ban hậu cần nhờ ông bà Tuất làm hàng giát hóa giá con heo ra tiền, mỗi ngày ban hậu cần lấy một phần ba con heo bằng một bộ lòng sống về chế biến, tiết thì xin, còn lại lấy xương nấu với bí đỏ các mẹ cho, thịt ba chỉ kho với xu hào thái quân cờ, thêm chút hành mắm là đủ. À quên, còn cái món cay cay cũng do các bà hiền mẫu cho đấy ạ.

Tất cả mọi người ồ lên vỡ lẽ. Thuở bé đến giờ mới thấy một con heo có ba bộ lòng, một con heo ba kèo “lô lô ti ca”. Chịu các bố hậu cần lắm mưu!

II – ĐẬM NÉT XỨ CỒN

1 – CHA ĐẮP ĐƯỜNG, CON DỰNG NHÀ THỜ

Người cha là cố trùm Ban ở Giáo họ Tân Tùng – xứ Cồn Thoi.

Những năm 60 của thế kỷ trước, đường từ giáo họ Tân Tùng đến nhà thờ xứ vắt ngang qua một dòng sông. Con đường nhỏ bé và luôn bị ngập nước, lại thêm đàn trâu mấy chục con ra đồng cầy bừa, càng khiens cho con đường trở nên lầy lội. Người qua lại không may lọt xuống hố chân trâu thì quần áo lấm bùn đất hết cả, có khi còn bị sái chân đau đớn. Nhiều cụ già, em nhỏ sợ lội sợ ngã đành bỏ lễ ở nhà đọc kinh.

Thấy vậy cố trùm Ban lẳng lặng ngày ngày ra sông vớt bèo bồng (lục bình) quật lên lót đường cho mọi người đi. Hôm trước vật bèo lên thì hôm sau trâu đi lại vỡ rồi vài ba ngày sau bèo thối nát ra cả.

Nhưng cố không bỏ cuộc vẫn liên tục vớt bèo lót đường cho mọi người đi chầu, đi lễ. Nhiều người thấy vậy cũng lội xuống giúp cố một tay. Có người gọi đùa đó là đoạn đường lục bình. Người khác lại gọi là đoạn đường cố Ban.

 

Rồi mấy năm sau con đường cũng được đắp cao hơn to hơn. Nhưng mỗi khi qua đây, người ta vẫn còn nhớ mãi hình ảnh một cụ già nhỏ bé, cặm cụi vớt bèo làm dường cho cả làng đi.

Ba mươi năm sau (1992), người con trai thứ ba của cố là Cha Giuse Vũ Công Hoàng chỉ đạo xây thánh đường Giáo xứ Cồn Thoi hiện nay.

Có lẽ quãng đường bèo lục bình của cố cũng là đoàn đường đầu tiên trên con đường tiến đến Bàn Thánh đầy gian nan của Cha Hoàng – người con của cố, và của Giáo xứ Cồn Thoi.

 

Giáo xứ Cồn Thoi - Giáo Phận Phát Diệm © 2016/ Giới thiệu | Tin Giáo xứ | Tin Giáo phận | Liên hệ | Đăng nhập Thiết kế bởi GiuseArt