GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM
TÀI LIỆU HỌC HỎI MÙA CHAY NĂM 2022
Chủ đề chung của Giáo Hội :
HƯỚNG TỚI MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH:
HIỆP THÔNG – THAM GIA – SỨ VỤ
Chủ đề của giáo phận Phát Diệm: GIA TĂNG ĐỨC ÁI
BAN GIÁO LÝ – GIÁO PHẬN PHÁT ĐIỆM
PHẦN I
HỌC HỎI VỀ SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
(Apostolicam Actuositatem)
- Việc tông đồ là gì?
- Là mọi hoạt động của mọi thành phần trong Giáo Hội nhằm làm cho Nước Chúa Kitô được mở rộng trên khắp hoàn cầu, làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi, để toàn thể vũ trụ thực sự được quy hướng về Chúa Kitô, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha.
- Việc tông đồ giáo dân là gì?
- Là sự tham dự thực sự của người giáo dân vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô. Khi chia sẻ trách nhiệm và sự cộng tác với các thừa tác vụ khác trong Phẩm trật của Hội Thánh, người giáo dân chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh chung của toàn dân Thiên Chúa trong Giáo Hội và ở giữa trần gian.
- Vì sao Công Đồng Vaticanô II phát động mạnh mẽ việc tông đồ giáo dân?
- Vì những lẽ này:
– Một là vì việc tông đồ giáo dân gắn liền với ơn gọi làm Kitô hữu;
– Hai là vì sự gia tăng dân số, sự phát triển khoa học công nghệ và nhiều đòi hỏi cấp bách của thời đại chúng ta đang sống;
– Ba là vì đời sống đức tin và luân lý có nhiều nguy cơ khủng hoảng;
– Bốn là vì nhiều nơi trên thế giới thiếu vắng các linh mục;
– Năm là vì Chúa Thánh Thần hiện diện, hoạt động và thúc bách người giáo dân nhiệt thành dấn thân phục vụ Chúa Kitô và Hội Thánh.
- Người giáo dân thi hành việc tông đồ như thế nào?
- Người giáo dân thi hành việc tông đồ bằng chính các công việc của mình, thông qua lời nói, việc làm và chứng tá đời sống. Họ Phúc Âm hóa và thánh hóa nhân loại, làm cho tinh thần Phúc Âm thấm nhuần mọi lãnh vực của đời sống trần thế. Họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột.
- Việc tông đồ giáo dân dựa trên nền tảng nào?
- Dựa trên những nền tảng này:
– Thứ nhất, bắt nguồn từ bí tích Rửa tội và Thêm sức, người giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ, do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Ðầu;
– Thứ hai, đức ái như là linh hồn của tất cả việc tông đồ, được chuyển thông và nuôi dưỡng nhờ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể;
– Thứ ba, giới răn yêu thương mà Chúa Giêsu để lại thúc đẩy mọi tín hữu làm việc tông đồ, để mọi người nhận biết một Thiên Chúa chân thật và Ðấng Ngài đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô;
– Thứ bốn, việc tông đồ được thực hiện nhờ các nhân đức và các ơn của Chúa Thánh Thần.
- Linh đạo của việc tông đồ giáo dân bao gồm những gì?
- Bao gồm những điểm chính yếu này:
– Một là đời sống kết hợp mật thiết và sống động với Chúa Kitô;
– Hai là sự tham dự tích cực vào Phụng Vụ;
– Ba là thực hành các nhân đức nhân bản và các nhân đức tin, cậy, mến;
– Bốn là suy niệm Lời Chúa;
– Năm là bắt chước Chúa Kitô, sống yêu thương, sống khó nghèo và khiêm hạ;
– Sáu là tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh và phó thác đời sống và cả việc tông đồ của mình cho Mẹ coi sóc.
- Theo Công Đồng Vaticanô II, người giáo dân phải làm gì để canh tân trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo?
- Người giáo dân phải tham gia vào các hoạt động xã hội. Họ phải đem khả năng chuyên môn cùng tinh thần trách nhiệm để cộng tác với các công dân khác. Họ phải làm cho trật tự trần thế phù hợp với các nguyên tắc cao cả của đời sống Kitô giáo. Họ phải tìm sự công chính của Nước Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi sự.
- Việc bác ái có tầm quan trọng thế nào trong hoạt động tông đồ?
- Việc bác ái thể hiện việc thực thi giới răn mến Chúa yêu người. Giáo Hội đặc biệt đề cao lòng xót thương đối với người nghèo đói, bệnh tật. Giáo Hội mời gọi thực thi những công cuộc từ thiện và tương trợ, để xoa dịu mọi nỗi thống khổ của nhân loại.
- Phải có thái độ nào để việc bác ái là đích thực và không bị chỉ trích?
- Phải có những thái độ này:
– Một là phải nhìn nhận nơi tha nhân hình ảnh của Thiên Chúa, vì mọi người đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài;
– Hai là phải nhìn nhận nơi tha nhân là chính Chúa Kitô, bởi vì bất cứ sự gì được tặng cho người nghèo là đã thực sự được dâng cho Chúa Kitô;
– Ba là phải hết sức tế nhị, tôn trọng tự do và nhân phẩm của người được trợ giúp;
– Bốn là đừng tìm tư lợi hay tham vọng thống trị người khác;
– Năm là phải thỏa mãn những đòi hỏi công bình trước đã, kẻo những tặng phẩm đem cho tưởng là vì bác ái, mà thực ra là phải đền trả vì đức công bằng;
– Sáu là phải tổ chức giúp đỡ sao cho những người được trợ giúp dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc người khác và có thể tự túc.
- Đâu là các môi trường hoạt động tông đồ?
- Có những môi trường chính yếu này: các cộng đoàn Giáo Hội, gia đình, giới trẻ, môi trường xã hội, các lãnh vực quốc gia và quốc tế.
- Giáo xứ có vai trò nào trong việc tông đồ?
- Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi qui tụ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội. Người giáo dân phải nuôi dưỡng ý thức về giáo xứ, giáo phận và phải tùy sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo Hội địa phương.
- Gia đình làm việc tông đồ thế nào?
- Gia đình Kitô giáo làm việc tông đồ trước tiên bằng việc rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái, qua lời nói và gương sáng; bên cạnh đó, phải biểu lộ và chứng minh bằng đời sống, tính cách bất khả phân ly và sự thánh thiện của dây hôn phối; đồng thời, phải bảo vệ phẩm giá và quyền tự trị hợp pháp của gia đình.
- Để chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa trao ban, là trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã hội, gia đình phải làm gì?
- Gia đình phải tỏ ra như một đền thờ của Giáo Hội trong nhà mình, nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa; phải tỏ lòng hiếu khách, cổ võ đức công bằng và các việc thiện giúp người túng thiếu.
- Công Đồng chỉ ra những công việc cụ thể nào cho việc tông đồ của các gia đình?
- Những việc làm cụ thể và chủ yếu là:
– Nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi làm con mình,
– Ân cần tiếp đón những khách lạ,
– Cộng tác với học đường,
– Khuyên bảo và giúp đỡ thanh thiếu niên,
– Giúp những người đã đính hôn chuẩn bị cho việc hôn nhân của họ được tốt đẹp,
– Giúp dạy giáo lý,
– Nâng đỡ những đôi vợ chồng cũng như những gia đình khi họ gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần,
– Lo cho người già cả không có những điều cần thiết, và cung cấp cho họ những tiện nghi chính đáng của tiến bộ kinh tế.
- Giới trẻ hoạt động tông đồ thế nào?
- Giới trẻ ngày nay làm thành một sức mạnh rất lớn, có vai trò xã hội, văn hóa và chính trị ngày càng quan trọng. Người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ.
- Trẻ em có thể làm gì góp phần vào việc tông đồ?
- Trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tùy khả năng, các em có thể thực sự là những chứng nhân sống động của Chúa Kitô giữa các bạn hữu.
- Làm việc tông đồ trong môi trường xã hội nghĩa là gì?
- Là cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống.
- Tinh thần Kitô giáo được thể hiện cụ thể qua phương diện nào?
- Người giáo dân phải thể hiện tinh thần đức tin, phải trở nên ánh sáng thế gian, nhờ đời sống lương thiện trong mọi công ăn việc làm và phải sống tình bác ái huynh đệ. Bên cạnh đó, họ còn phải quan tâm đến việc rao giảng Chúa Kitô cho anh chị em bằng cả lời nói nữa. Bởi vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ những người giáo dân sống gần họ.
- Làm tông đồ trên bình diện quốc gia nghĩa là gì?
- Người Kitô hữu phải chu toàn nghĩa vụ công dân, phải tham gia việc nước khi cần, vì nhờ đó họ có thể đóng góp vào công ích và kiện toàn những định chế xã hội và quốc gia theo tinh thần Phúc Âm.
- Làm tông đồ trên bình diện quốc tế nghĩa là gì?
- Là phải lo lắng cổ động cho sự liên đới và mối bang giao giữa các dân tộc, biến nó thành một khát vọng chân thành và thiết thực về tình huynh đệ; phải góp phần tìm ra giải pháp cho các vấn đề khó khăn liên quan đến các nước đang phát triển.
- Công Đồng đề ra những phương thức nào cho hoạt động tông đồ giáo dân?
- Có hai phương thức chính là việc tông đồ cá nhân và việc tông đồ tập thể.
- Việc tông đồ cá nhân là gì?
- Là đích thân mỗi Kitô hữu làm việc tông đồ để xây dựng Giáo Hội, thánh hóa và làm sống động thế gian trong Chúa Kitô. Họ làm chứng bằng cả đời sống xuất phát từ đức tin, đức cậy, đức mến. Bằng lời nói, họ rao giảng Chúa Kitô, tuyên xưng, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Chúa.
- Khi làm việc tông đồ cá nhân, người giáo dân có gặp những hoàn cảnh đặc biệt nào không?
- Có những hoàn cảnh đặc biệt nơi những miền thiếu tự do và bị bách hại, hoặc có những miền mà người Công giáo ít ỏi và tản mác.
- Trong hoàn cảnh bị bách hại, người giáo dân đã hoạt động tông đồ thế nào?
- Người giáo dân tùy khả năng đã thay thế linh mục, liều mất tự do và cả mạng sống của mình để dạy giáo lý công giáo, huấn luyện cho những người chung quanh biết sống đạo, siêng năng lãnh nhận các bí tích và tôn sùng phép Thánh Thể.
- Trong những miền người Công giáo ít ỏi và tản mác, người giáo dân phải hoạt động tông đồ thế nào?
- Vượt qua khó khăn về địa lý hoặc sinh hoạt nghề nghiệp, họ cần tạo cơ hội để gặp gỡ nhau. Họ hợp lại thành từng tổ nhỏ, không cần đến hình thức tổ chức hay hệ thống chặt chẽ, miễn sao người khác thấy được dấu hiệu của cộng đoàn Giáo Hội như bằng chứng đích thực của tình thương.
- Việc tông đồ tập thể là gì?
- Là việc người Kitô hữu hợp nhất với nhau để làm tông đồ. Họ phải làm tông đồ trong cộng đoàn gia đình cũng như trong giáo xứ và giáo phận. Hơn nữa, họ phải làm tông đồ trong những đoàn thể tự do mà họ đã tự ý gia nhập.
- Phong trào Công Giáo Tiến Hành là gì?
- Đó là các tổ chức, các hội đoàn đã được Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục cổ võ, coi đây như một sự cộng tác của giáo dân vào việc tông đồ của Hàng Giáo Phẩm.
- Phải có thái độ nào đối với các đoàn thể tông đồ?
- Các đoàn thể tông đồ phải được các linh mục, tu sĩ và giáo dân coi là rất quan trọng, và mỗi người phải cổ võ những đoàn thể đó tùy theo cách thế riêng của mình.
- Khi hoạt động tông đồ, các thành viên thuộc các đoàn thể khác nhau cần lưu ý điều gì?
- Cần phải lưu ý những điểm chính yếu này:
– Một là phải có sự tôn trọng lẫn nhau và sự phối hợp thích đáng giữa các tổ chức tông đồ trong Giáo Hội, miễn là đặc tính riêng của mỗi tổ chức vẫn được duy trì;
– Hai là phải hoàn toàn tuân phục sự điều khiển của cấp trên trong Giáo Hội;
– Ba là người Công giáo phải cộng tác với các Kitô hữu khác;
– Bốn là cộng tác với những người không theo Kitô giáo, để làm chứng cho Chúa Kitô, Ðấng Cứu Chuộc thế giới và làm chứng cho tình đoàn kết đại đồng của cả gia đình nhân loại.
- Việc huấn luyện làm tông đồ có tầm quan trọng thế nào?
- Việc tông đồ chỉ đạt tới kết quả mỹ mãn nhờ việc huấn luyện đầy đủ và chuyên biệt. Ngoài việc huấn luyện chung cho mọi tín hữu, còn phải có thêm các lớp huấn luyện chuyên biệt.
- Đâu là những nguyên tắc huấn luyện để làm tông đồ?
- Có mấy nguyên tắc chính sau đây:
– Một là phải căn cứ trên tính chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa lòng đời;
– Hai là phải huấn luyện toàn diện con người, cho phù hợp với nhân cách và hoàn cảnh của mỗi người;
– Ba là phải nhấn mạnh đến đời sống thiêng liêng, khởi đi từ đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa.
- Bên cạnh việc huấn luyện đời sống thiêng liêng, công cuộc huấn luyện còn phải chú trọng điều gì?
- Còn phải huấn luyện vững chắc về giáo lý, thần học, luân lý, triết học, tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh và khả năng. Cũng không thể coi thường việc giáo dục văn hóa tổng quát, cũng như đào tạo về kỹ thuật và thực hành.
- Việc huấn luyện làm tông đồ phải bắt đầu từ lứa tuổi nào?
- Phải bắt đầu ngay từ lúc mới giáo dục các trẻ em, nhưng đặc biệt phải tập cho các thanh thiếu niên biết làm tông đồ và thấm nhuần tinh thần này. Việc huấn luyện này còn phải được tiếp tục trong suốt đời chúng, tùy theo đòi hỏi của những trách nhiệm mới mà chúng lãnh nhận.
- Trong gia đình, việc huấn luyện phải thực hiện thế nào?
- Gia đình phải nên như trường huấn luyện đầu tiên cho việc tông đồ. Bằng gương sáng, cha mẹ phải lo dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu nhận biết tình thương của Thiên Chúa đối với hết mọi người; phải dạy cho chúng biết lo lắng đến những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của người lân cận.
- Có những phương thế cụ thể nào để huấn luyện tông đồ?
- Đó là những khóa học tập, những kỳ đại hội, những cuộc tĩnh tâm, linh thao, những buổi họp mặt thường xuyên, những buổi thuyết trình cũng như sách báo và những tạp chí chuyên đề.
- Để nâng cao chất lượng huấn luyện tông đồ, Công Đồng còn đưa ra định hướng nào?
- Công đồng cổ võ việc thiết lập những trung tâm thu thập tài liệu và nghiên cứu cho hết mọi hoạt động tông đồ, không những về khoa thần học mà cả về các khoa học khác như nhân chủng học, tâm lý học, xã hội học, phương pháp học, để phát triển tài năng của giáo dân nam cũng như nữ, giới trẻ cũng như giới trưởng thành.
- Sau cùng, Công Đồng ước muốn điều gì nơi mọi người giáo dân?
- T. Công Đồng kêu mời mọi người giáo dân, cách riêng là giới trẻ, hưởng ứng sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô: mau mắn, đại độ và sẵn sàng tham gia vào sứ mạng cứu rỗi của Chúa Kitô; chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa, cộng tác vào cùng một công cuộc tông đồ của Giáo Hội, bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau.
PHẦN II
HỌC HỎI VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI LẦN THỨ XVI
(Phần này chỉ cần học hiểu chứ không cần học thuộc lòng)
- Thượng Hội đồng Giám mục là gì?
- Là một định chế được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập[1]. Đó là hội nghị các giám mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, cùng với Đức Giáo hoàng, để giúp ngài cai quản Giáo Hội hoàn vũ.
- Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023 là Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ mấy? Và được diễn tiến ra sao?
- Là thượng hội đồng lần thứ XVI,
– Khai mạc tại Rôma vào tháng 10 năm 2021,
– Tại các giáo phận trên khắp đất nước Việt Nam, khai mạc vào ngày 28 tháng 11 năm 2021,
– Riêng tại Phát Diệm, khai mạc ngày 08 tháng 12 năm 2021.
– Diễn tiến của Thượng Hội Đồng gồm 3 giai đoạn: cấp giáo phận (10/2021-8/2022); cấp châu lục (10/2022-10/2023); và cấp hoàn vũ (10/2023).
– Thượng Hội Đồng kết thúc vào 10/2023,
- Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI có gì khác với các Thượng Hội Đồng Giám Mục trước?
- Các Thượng Hội Đồng Giám Mục trước diễn ra đơn thuần trong hội nghị của các giám mục với Đức Giáo hoàng. Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này được chuẩn bị xa, và rộng hơn qua việc các giám mục được mời gọi lắng nghe, và thỉnh ý mọi thành phần dân Chúa tại các Giáo Hội địa phương, để giúp các ngài phân định và đưa ra các quyết định mục vụ phù hợp với thánh ý Chúa.
– Theo nghĩa này, việc thỉnh ý dân Chúa không phải là một giai đoạn trong tiến trình dân chủ, nhằm lấy ý kiến đa số, theo nguyên tắc “ý dân là ý trời”.
– Các Thượng Hội Đồng Giám Mục gần đây bàn đến các chủ đề như Tân phúc âm hóa, gia đình, giới trẻ và Amazon. Thượng Hội Đồng Giám Mục 2023 tập trung vào chủ đề hướng tới một Hội Thánh hiệp hành : hiệp thông – tham gia – sứ vụ.
- H. Khi mời gọi toàn thể dân Chúa “hướng tới một Giáo Hội hiệp hành”, THĐGM 2023 mong đợi điều gì?
- Với chủ đề này, Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023 muốn tạo điều kiện để các tín hữu đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong Bí tích Rửa tội và Thêm sức, đồng thời được ban cho những đặc sủng khác nhau để canh tân và xây dựng Giáo Hội, ý thức rằng tất cả đều được mời gọi tham gia tích cực vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội, với tư cách là chi thể của Thân Mình Đức Kitô.
– Do đó, huấn quyền của Đức Giáo hoàng và các giám mục đối thoại với cảm thức đức tin của dân Chúa, để có thể đưa ra các quyết định mục vụ phản ánh thánh ý Chúa một cách trung thành hết sức có thể.
– Với chủ đề này, Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023 cũng muốn tạo điều kiện cho toàn thể dân Chúa có được trải nghiệm sống động về sự lắng nghe, phân định, tham gia và đồng trách nhiệm, hầu tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn, cũng như xây dựng những nhịp cầu, thắp sáng tâm trí, sưởi ấm cõi lòng và phục hồi sức mạnh của đôi tay để phục vụ cho sứ mạng chung.
- H. Phải chăng từ “hiệp hành” (synod: cùng đi) là một từ mới?
- Trong tiếng Việt, “hiệp hành” là một từ mới, nhưng trong truyền thống của Giáo Hội là một từ cổ kính. Ý nghĩa của nó được rút ra từ chân lý này: Chúa Giêsu là con đường và môn đệ là những người “cùng đi với nhau” trên con đường ấy.
– Cho nên “cùng đi với nhau” hay “hiệp hành” không chỉ một hoạt động nhất định, nhưng chỉ một lối sống: sống với nhau và với mọi người như Chúa đã sống với mình và mọi người. Theo đó, mọi người sẽ được tôn trọng, chấp nhận và lắng nghe; chẳng có ai bị loại trừ hay gạt ra bên lề.
– Do đó, khi mọi thành phần trong Giáo Hội họp lại và tham gia vào đời sống cũng như sứ vụ của Giáo Hội, tức sống tinh thần hiệp hành, thì bản chất hiệp thông của Giáo Hội được biểu lộ và thực hiện cách cụ thể.
- H. Vì sao “hiệp hành” là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo Hội của Thiên niên kỷ thứ III?
- Một là vì thực trạng của thế giới: Thế giới với thảm họa toàn cầu, như Covid-19 và sự biến đổi khí hậu, thôi thúc nhân loại hợp tác để xây dựng ngôi nhà chung, nhưng hầu như các nước không thể tìm được một tiếng nói và một giải pháp chung;
– Hai là vì thực trạng của Giáo Hội: Giáo hội với những vết thương nhức nhối như sự lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền bính và lạm dụng lương tâm của nhiều giáo sĩ, và người thánh hiến cũng như sự bất bao dung và chia rẽ ngay trong nội bộ hay trong tương quan với xã hội, đòi hỏi mọi thành phần dân Chúa góp phần vào việc canh tân Giáo Hội.
– Ba là do tác động của Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong lịch sử và biểu lộ quyền năng tác sinh của Ngài, bằng chứng là có không ít Giáo hội địa phương đang thực hiện những cuộc gặp gỡ để thỉnh ý dân Chúa, cũng như có sự đánh giá lại đúng đắn hơn vai trò của giới trẻ và phụ nữ để họ có cơ hội tham gia vào sứ vụ.
– Trong bối cảnh này, Giáo Hội được mời gọi trở nên “dấu chỉ và khí cụ” của sự hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhân loại, bằng cách nhìn lại việc “hiệp hành” hay “cùng bước đi với nhau” trên con đường sứ mạng đang diễn ra thế nào và lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần mời gọi hoán cải; hoán cải ngay trong não trạng, cơ cấu và hoạt động mục vụ để phục vụ cho sứ mạng chung.
- H. Đâu là những thách đố mà Giáo Hội phải đối diện khi sống tinh thần hiệp hành trong thế giới hôm nay?
- Một là “cảm thức nhạt nhòa về Giáo Hội” nơi một số tín hữu: Họ chẳng ghi danh cũng chẳng gắn bó, cam kết và dấn thân vào một cộng đoàn nào. Họ chọn đi nhà thờ mình thích miễn sao chu toàn luật lễ buộc hay nghe được bài giảng của vị linh mục mình ưa chuộng … y hệt như chọn hàng trong một siêu thị vậy.
– Hai là “trào lưu giáo dân trị”: đề cao một thứ dân chủ sai lạc, coi tiếng nói của đa số là tiếng nói của Thiên Chúa. Trào lưu này dẫn đến việc “cào bằng” hay loại trừ phẩm trật, thay vì coi Giáo Hội là Thân mình Đức Kitô; trong đó, mỗi chi thể một chức phận, không thay thế được và bổ sung cho nhau.
– Họ không biết rằng Giáo Hội luôn có 3 tuyến nhân vật: Chúa Giêsu, đám đông đủ mọi hạng người và các Tông đồ. Nếu Đức Giêsu vắng mặt và ai khác thế chỗ, Giáo Hội sẽ trở thành một thứ giao kèo giữa các Tông đồ và đám đông, để rồi cuộc đối thoại của họ sẽ kết thúc bằng những âm mưu của trò chơi chính trị. Nếu không có các Tông đồ, là những người được Chúa Giêsu trao quyền và Chúa Thánh Thần chỉ dạy, thì mối tương quan với chân lý Tin Mừng sẽ bị phá vỡ và đám đông sẽ chỉ còn thấy Chúa Giêsu như một huyền thoại hoặc như một ý thức hệ, cho dù họ có đón nhận hay bác bỏ Ngài. Nếu không có đám đông, mối tương quan giữa các Tông đồ và Chúa Giêsu sẽ suy thoái thành một thứ tôn giáo mang hình thức giáo phái và quỵ ngã, đồng thời việc loan báo Tin Mừng sẽ mất đi ánh sáng của nó, vốn chỉ đến từ Thiên Chúa, Đấng tự tỏ mình cho nhân loại và từng người để mang lại ơn cứu độ cho họ.
– Ba là chủ nghĩa “giáo sĩ trị”: não trạng lẫn lộn “việc được chọn với đặc quyền, phục vụ với phục dịch, hiệp nhất với đồng bộ, khác biệt với chống đối, huấn luyện với nhồi sọ”; não trạng này thường dẫn đến những hình thức lạm dụng khác nhau hay nguy cơ gạt giáo dân ra bên lề Giáo Hội.
– Bốn là khuynh hướng “đóng kín”: khuynh hướng coi mình có mọi câu trả lời cho mọi vấn đề nhân loại, chẳng cần phải tìm kiếm cùng với những người khác, làm cho Giáo Hội xa cách với con người, mất khả năng lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa mời gọi giữa tiếng kêu khóc của những người xung quanh.
- H. Theo Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023, Giáo Hội phải làm gì để phát huy tinh thần hiệp hành hầu phục vụ hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo trong bối cảnh hiện tại?
- Giáo Hội phải nhìn lại xem:
1- việc hiệp hành đã và đang diễn ra trong cộng đoàn (đoàn thể, các giới, ban mục vụ, gia đình, giáo xứ, giáo phận) của mình như thế nào?
2- các ân huệ, đặc sủng và thừa tác vụ khác nhau trong cộng đoàn có được tôn trọng và liên kết lại, để góp phần vào đời sống và sứ vụ của cộng đoàn không?
3- các thành viên trong cộng đoàn có được cơ hội lắng nghe và bày tỏ ý kiến cũng như được tham gia vào tiến trình phân định và quyết định không?
4- cộng đoàn của mình là cộng đoàn “mở ra” hay “khép kín”, là “bệnh viện dã chiến” hay “một pháo đài” trước những vấn đề của các cộng đoàn khác cũng như của xã hội?
- Theo Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023, kinh nghiệm hiệp hành là kinh nghiệm gì?
- Kinh nghiệm hiệp hành là kinh nghiệm:
1- Đồng hành với nhau trên cùng một nẻo đường, chấp nhận chứ không loại trừ nhau;
2- Lắng nghe nhau với khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến và kết án, đặc biệt lắng nghe những người còn ở xa và bị loại bỏ;
3- Can đảm lên tiếng” cách tự do, trong chân lý và bác ái;
4- Tham dự vào các cử hành hay những cuộc họp mừng của cộng đoàn, đặc biệt cử hành Lời Chúa và cử hành Bí tích Thánh Thể;
5- Đồng trách nhiệm trong việc thực thi sứ vụ, với những hình thức hay dạng thức khác nhau theo ơn gọi riêng của mình;
6- Đối thoại trong Giáo Hội và Xã hội, đối thoại với mọi người cũng như với các thực tại văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội vv…;
7- Đối thoại với các hệ phái Kitô hữu khác, và cộng tác với anh chị em ấy trong việc biến đổi xã hội, truyền giáo, bác ái…;
8- Tham gia vào tiến trình lấy quyết định, cho dù những quyết định được lấy không hoàn toàn được nghe theo;
9- Phân định và quyết định xuất phát từ “sự vâng phục Thần Khí”;
10-Tự rèn luyện để trở nên những con người hiệp hành, nghĩa là trở nên những người biết lắng nghe, phân định và thực thi ý Chúa.
- Tiến trình hiệp hành ở cấp giáo phận được thực hiện như thế nào?
- Tiến trình hiệp hành ở cấp giáo phận được thực hiện trước hết qua các buổi gặp gỡ tại các giáo xứ hay cộng đoàn, kế đến qua hội nghị cấp giáo phận.
– Các buổi gặp gỡ tại các giáo xứ hay cộng đoàn sẽ được tổ chức cho đối tượng chính là mọi người đã chịu phép Rửa, đặc biệt những người có nguy cơ bị loại trừ như phụ nữ, người khuyết tật, người tị nạn, người di cư, người lớn tuổi, người nghèo, những người Công giáo ít khi hay không bao giờ thực hành đức tin, những người thuộc các hệ phái Kitô hữu khác v.v…
– Để tham gia trọn vẹn vào việc phân định, các tín hữu còn được mời gọi lắng nghe tiếng nói của những người khác trong bối cảnh địa phương của mình, gồm những người đã lìa bỏ thực hành đức tin, những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác, những người không có niềm tin tôn giáo, v.v…
PHẦN III
GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
BÀI 62 – ĐIỀU RĂN THỨ BỐN:
NGƯƠI HÃY THẢO KÍNH CHA MẸ
“Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12).
- H. Điều răn thứ bốn dạy chúng ta sự gì?
- Điều răn thứ bốn dạy chúng ta thảo kính cha mẹ và những người được Chúa trao quyền để mưu ích cho chúng ta. [455]
02.H. Gia đình là gì trong kế hoạch của Thiên Chúa?
- Gia đình vừa là cộng đoàn yêu thương mà Thiên Chúa đã thiết lập, để cha mẹ và con cái chung sống hạnh phúc, vừa là Hội Thánh tại gia vì là cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến. [456]
03.H. Gia đình có vai trò nào trong xã hội?
- Gia đình là tế bào đầu tiên và là nền móng để xây dựng một xã hội vững bền. [457]
- H. Xã hội có trách nhiệm gì đối với gia đình?
- Xã hội có trách nhiệm nâng đỡ và củng cố gia đình, đồng thời tôn trọng và bảo vệ các quyền hạn của gia đình. [458]
- H. Con cái có những bổn phận nào đối với cha mẹ?
- Con cái có bổn phận hiếu thảo, biết ơn và vâng phục cha mẹ, đồng thời phải trợ giúp các ngài về vật chất cũng như tinh thần, khi còn sống cũng như khi đã qua đời. [459]
06/ H. Cha mẹ có những bổn phận nào đối với con cái?
- Cha mẹ có bổn phận yêu thương và tôn trọng, nuôi dưỡng và giáo dục con cái, đồng thời giúp con cái chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống và giáo dục chúng trong đời sống đức tin. [460]
- H. Cha mẹ giáo dục đức tin cho con cái bằng cách nào?
- Cha mẹ giáo dục đức tin cho con cái bằng gương sáng, kinh nguyện, dạy giáo lý trong gia đình và tham dự vào đời sống Giáo Hội. [461]
- H. Vì sao các mối liên hệ trong gia đình không có giá trị tuyệt đối?
- Vì ơn gọi của Kitô hữu là yêu mến Đức Kitô và bước theo Ngài, nên các mối liên hệ trong gia đình không có giá trị tuyệt đối. [462]
- H. Quyền bính phải được thực thi thế nào trong xã hội?
- Quyền bính phải phục vụ những quyền lợi chính đáng của con người và phải được thực thi dựa trên chân lý về Thiên Chúa, về con người và về thế giới. [463]
- H. Người công dân có những bổn phận nào đối với quyền bính dân sự?
- Người công dân có bổn phận cộng tác với quyền bính dân sự, để xây dựng xã hội trong tinh thần tôn trọng chân lý, công bằng, liên đới và tự do. [464]
- H. Khi nào người công dân không phải vâng phục những quy định của chính quyền dân sự?
- Người công dân không phải vâng phục những quy định của chính quyền dân sự, khi chúng đi ngược lại với các đòi hỏi của luân lý. [465]
BÀI 63 – ĐIỀU RĂN THỨ NĂM:
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI
“Ngươi không được giết người” (Xh 20,13).
- H. Điều răn thứ năm dạy chúng ta sự gì?
- Điều răn thứ năm dạy chúng ta phải tôn trọng sự sống con người mà Chúa đã ban, vì chỉ mình Ngài mới là chủ và có quyền trên sự sống ấy mà thôi. [466]
- H. Có những trường hợp nào xâm phạm đến sự sống người khác mà không mắc tội?
- Có những trường hợp này:
– Một là bảo vệ mạng sống của mình hay của người khác vì bị kẻ khác tấn công;
– Hai là bảo vệ tổ quốc chống lại ngoại xâm. [467]
- H. Hình phạt được chính quyền đề ra có những mục đích nào?
- Hình phạt được chính quyền đề ra có những mục đích này:
– Một là sửa chữa những xáo trộn do lỗi lầm gây ra;
– Hai là bảo vệ trật tự công cộng;
– Ba là góp phần cải hóa phạm nhân;
– Bốn là ngăn ngừa tội ác lan tràn. [468]
15.H. Chính quyền có thể đưa ra những hình phạt nào?
- Chính quyền có thể đưa ra những hình phạt tương xứng với hành vi tội ác, nhưng phải phù hợp với phẩm giá con người và tạo cơ hội cho phạm nhân sửa sai lỗi đã phạm. [469]
16.H. Có những tội nào nghịch lại điều răn thứ năm?
- Có những tội này:
– Một là cố ý giết người;
– Hai là trực tiếp hay cộng tác vào việc phá thai;
– Ba là làm cho chết êm dịu;
– Bốn là tự sát hay cộng tác vào việc ấy;
– Năm là làm gương xấu khiến người khác phạm tội trọng;
– Sáu là phá hoại hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe của mình và của người khác. [470]
- H. Khi gần kề cái chết, bệnh nhân có được phép ngưng chữa trị không?
- Khi gần kề cái chết, bệnh nhân vẫn phải được tiếp tục điều trị, được phép dùng thuốc giảm đau và có thể từ chối việc chữa trị quá tốn kém mà chẳng đem lại hiệu quả gì. [471]
- H. Vì sao xã hội có trách nhiệm bảo vệ thai nhi?
- Xã hội có trách nhiệm bảo vệ thai nhi, vì quyền sống của con người ngay từ lúc thụ thai là một yếu tố làm thành xã hội dân sự và luật pháp của xã hội. [472]
- H. Chúng ta phải làm gì để tôn trọng sự sống siêu nhiên của con người?
- Chúng ta phải quan tâm đến lợi ích linh hồn, tránh gây dịp tội và không làm gương xấu cho người khác. [473]
- H. Chúng ta phải làm gì để tôn trọng sự sống tự nhiên của con người?
- Chúng ta phải chăm sóc sức khỏe của mình và của người khác cách hợp lý, tránh xa việc tôn thờ thân xác và mọi sự thái quá, tránh sử dụng ma túy cùng những gì gây nguy hại cho sự sống con người. [474]
- H. Có được phép thí nghiệm khoa học, y khoa hay tâm lý trên con người không?
- Được phép, nếu chúng phục vụ cho lợi ích con người và xã hội, với sự đồng ý của đương sự mà không gây ra những rủi ro cho sự sống và sự toàn vẹn của họ. [475]
- H. Có được phép hiến tặng hoặc ghép các bộ phận hay không?
- Hiến tặng các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý, nhưng trước khi lấy các bộ phận đó, phải xác định chắc chắn người hiến tặng đã chết. Việc ghép các bộ phận có thể được chấp nhận với sự ưng thuận của người cho và không gây nguy hiểm quá đáng cho họ. [476]
- H. Những việc nào không tôn trọng sự toàn vẹn thể lý của con người?
- Những việc không tôn trọng sự toàn vẹn thể lý của con người đó là bắt cóc, bắt làm con tin, khủng bố, tra tấn, bạo hành, triệt sản và cắt bỏ một phần thân thể với mục đích không chính đáng. [477]
- H. Chúng ta phải chăm sóc những người hấp hối như thế nào?
- Chúng ta phải giúp họ sống những giây phút cuối đời một cách xứng đáng và bình an, nhất là cầu nguyện và giúp họ lãnh nhận các bí tích để chuẩn bị gặp gỡ Chúa. [478]
- H. Chúng ta phải đối xử với thân xác người chết thế nào?
- Chúng ta phải tôn trọng thân xác người chết, trong niềm tin tưởng vào sự phục sinh. [479]
- H. Thiên Chúa đòi chúng ta phải làm những gì để xây dựng hòa bình?
- Thiên Chúa đòi chúng ta phải làm những điều này:
– Một là có sự bình an trong tâm hồn, không giận dữ oán thù người khác;
– Hai là tìm mọi cách để ngăn ngừa chiến tranh;
– Ba là kiên trì thực hiện công lý và tình huynh đệ. [480-482]
- H. Khi nào được phép sử dụng sức mạnh quân sự?
- Chỉ được phép sử dụng sức mạnh quân sự khi hội đủ những điều sau đây:
– Một là phải chắc chắn có sự thiệt hại trầm trọng và kéo dài do đối phương gây ra;
– Hai là mọi giải pháp hòa bình đều vô hiệu;
– Ba là triển vọng thành công khá chắc chắn;
– Bốn là việc sử dụng các vũ khí không gây ra sự tàn phá lớn hơn sự thiệt hại cần phải loại bỏ. [483]
- H. Trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý đòi buộc điều gì?
- Trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý đòi buộc phải đối xử nhân đạo với người dân, thương binh và tù binh, đồng thời không được hủy diệt hàng loạt mạng sống con người. [485]
- H. Chúng ta phải làm những gì để tránh chiến tranh?
- Chúng ta phải làm những điều này:
– Một là không tích trữ và buôn bán vũ khí;
– Hai là tránh những bất công về mặt kinh tế và xã hội;
– Ba là tránh kỳ thị chủng tộc và tôn giáo. [486]
BÀI 65 – ĐIỀU RĂN THỨ SÁU:
NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC NGOẠI TÌNH
“Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác” (1 Cr 6,13b).
- H. Con người có bổn phận gì đối với giới tính của mình?
- Con người phải chấp nhận giới tính của mình, đồng thời nhận ra tầm quan trọng của nó, cũng như tính đặc thù của mỗi giới và sự bổ túc lẫn cho nhau. [487]
- H. Điều răn thứ sáu dạy chúng ta sự gì?
- Điều răn thứ sáu dạy chúng ta giữ khiết tịnh trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
- H. Đức khiết tịnh là gì?
- Đức khiết tịnh là nhân đức luân lý và là ơn Chúa ban, giúp chúng ta làm chủ bản năng tính dục, để sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa trong bậc sống của mình. [488]
- H. Đức khiết tịnh đem lại cho chúng ta điều gì?
- Đức khiết tịnh giúp cho sức sống và tình yêu của chúng ta được nguyên tuyền, để có thể hiến trọn bản thân cho Chúa và cho tha nhân theo bậc sống của mình. [GLHTCG 2338]
34/ H. Đức khiết tịnh đòi hỏi những gì?
- Đức khiết tịnh đòi hỏi tập luyện tính tự chủ, tức là tập sống sự tự do của con người, hướng đến việc tự hiến bản thân. [489]
- H. Chúng ta sống khiết tịnh nhờ những phương thế nào?
- Chúng ta sống khiết tịnh nhờ những phương thế này:
– Một là đón nhận ân sủng của Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện và lãnh các bí tích;
– Hai là thực hành khổ chế và các nhân đức, đặc biệt là đức tiết độ. [490]
- H. Người Kitô hữu sống khiết tịnh theo những bậc sống nào?
- Người Kitô hữu sống khiết tịnh theo những bậc sống này:
– Một là những người sống đời thánh hiến, được mời gọi hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa;
– Hai là những người lập gia đình, được mời gọi sống khiết tịnh theo bậc vợ chồng;
– Ba là những người không lập gia đình, được mời gọi sống tiết dục. [491]
- H. Có những tội nào nghịch lại đức khiết tịnh?
- Có những tội này:
– Một là nhìn ngắm hoặc nghĩ tưởng những điều dâm ô;
– Hai là nói những lời thô tục hoặc ám chỉ ý xấu và phổ biến phim ảnh sách báo khiêu dâm;
– Ba là tìm thú vui nhục dục một mình hoặc với người khác ngoài cuộc sống hôn nhân;
– Bốn là có hành vi đồng tính luyến ái;
– Năm là lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. [492]
- H. Vì sao điều răn thứ sáu chỉ nói “Ngươi không được ngoại tình”, lại ngăn cấm tất cả các tội nghịch lại đức khiết tịnh?
- Vì truyền thống Hội Thánh vẫn theo sát các giáo huấn luân lý của Cựu ước và Tân ước, luôn xem điều răn thứ sáu cũng bao gồm tất cả các tội nghịch lại đức khiết tịnh. [493]
- H. Chính quyền có trách nhiệm gì trong việc giúp mọi người sống khiết tịnh?
- Chính quyền có trách nhiệm cổ võ sự tôn trọng phẩm giá con người và góp phần tạo ra môi trường xã hội thuận lợi giúp cho mọi người sống khiết tịnh. [494]
- H. Tình yêu vợ chồng được thánh hóa bởi Bí tích Hôn Phối đem lại những thiện hảo nào?
- Tình yêu vợ chồng được thánh hóa bởi Bí tích Hôn Phối đem lại sự duy nhất, thủy chung, bất khả phân ly và mở ngỏ cho việc sinh sản con cái. [495]
- H. Hành vi vợ chồng có ý nghĩa gì?
- Hành vi vợ chồng có hai ý nghĩa không thể tách rời nhau:
– Một là hòa hợp nên một;
– Hai là sinh sản con cái. [496]
- H. Khi nào việc điều hòa sinh sản phù hợp với luân lý?
- Việc điều hòa sinh sản phù hợp với luân lý khi có lý do chính đáng và sử dụng những phương pháp tự nhiên như tiết dục định kỳ và áp dụng vào thời kỳ không thể thụ thai. [497]
- H. Những phương pháp điều hòa sinh sản nào không phù hợp với luân lý?
- Đó là những phương pháp nhân tạo như triệt sản hoặc ngăn cản sự thụ thai. [498]
- H. Vì sao thụ tinh và thụ thai nhân tạo không hợp với luân lý?
- Vì nó tách rời việc sinh sản với hành vi vợ chồng, do người khác can dự vào. [499]
- H. Con cái phải được nhìn nhận thế nào?
- Con cái phải được nhìn nhận như một tặng phẩm tuyệt hảo của Thiên Chúa và phải được tôn trọng như một nhân vị ngay từ lúc được thụ thai. [500]
- H. Vợ chồng có thể làm gì nếu không có con?
- Họ có thể sống quảng đại qua việc bảo trợ hay nhận con nuôi, hoặc tham gia những công tác phục vụ tha nhân. [501]
- H. Những tội nào phạm đến phẩm giá của hôn nhân?
- Những tội phạm đến phẩm giá của hôn nhân là ngoại tình, ly dị, đa thê, loạn luân, tự do sống chung ngoài hôn nhân hoặc ăn ở với nhau trước hôn nhân. [502]
[1] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI Thiết lập THĐGM qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo, ngày 15.9.1965